Kinh nghiệm thanh toán tiền mua nhà đất tránh rủi ro mất tiền oan

Nhiều trường hợp người mua nhà đất đã bị mất tiền oan do sai lầm trong khâu thanh toán tiền mua nhà đất. Để tránh rơi vào tình huống tương tự, phải nắm vững kinh nghiệm thanh toán.

Nội dung chính

    Kinh nghiệm thanh toán tiền mua nhà đất tránh rủi ro mất tiền oan

    (1) Lưu ý trước khi thanh toán tiền mua nhà đất

    Trước khi xuống tiền trong bất kỳ giao dịch nào: đặt cọc, ký hợp đồng chuyển nhượng, bạn phải kiểm tra pháp lý của bất động sản bạn muốn mua. Các thông tin bạn cần kiểm tra bao gồm:

    - Kiểm tra sổ thật sổ giả.

    - Kiểm tra thông tin quy hoạch để xem bất động sản bạn dự định mua có thuộc dự án quy hoạch

    - Kiểm tra thông tin xây dựng để xác định tình trạng xây dựng và hạn mức xây dựng.

    - Kiểm tra thông tin ngăn chặn để xem bất động sản có đang bị hạn chế hoặc bị cấm chuyển nhượng hay không?

    - Kiểm tra định giá sơ bộ để xem giá bạn được chào mua có hợp lý hay không?

    Nhìn chung, đây là những thông tin cơ bản mà bạn cần phải nắm rõ trước khi quyết định giao dịch bất động sản (xuống tiền).

    (2) Thương lượng giá thanh toán tiền mua nhà đất

    Sau khi đã nắm rõ thông tin pháp lý của bất động sản bạn dự định mua, bạn chuyển sang giai đoạn thương lượng giá. Bước này khá quan trọng, nó sẽ quyết định bạn có mua được nhà giá tốt hay không. Pháp lý giải pháp tài chính khuyên bạn nên dò hỏi các nhà xung quanh xem lý do bán nhà của chủ nhà là gì. Một khi đã biết về nguyên nhân bán nhà, bạn sẽ có rất nhiều thông tin để thương lượng giá, thậm chí quyết định có nên mua nhà đó hay không.

    Sau khi thương lượng giá xong, nếu bạn và cả bên bán đều hài lòng và đi đến thống nhất giá bán thì sẽ đến giai đoạn thanh toán tiền mua nhà.

    (3) Thanh toán tiền đặt cọc nhà

    Mở đầu cho bước thanh toán, bên mua và bên bán sẽ tiến hành đặt cọc tại Phòng công chứng/Văn phòng công chứng hoặc Ủy ban nhân dân phường/xã để được đóng dấu xác nhận giao dịch. Tuy nhiên, việc công chứng hoặc chứng thực hợp đồng đặt cọc không phải thủ tục bắt buộc nên các bên có thể tự thỏa thuận với nhau, nhưng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, hợp đồng đặt cọc nên quy định một cách rõ ràng, chặt chẽ và nên có người thứ ba làm chứng cho giao dịch.

    Tiền đặt cọc giao dịch bất động sản theo thông lệ thường xoay quanh 10% tổng giá trị căn nhà là hợp lý, hạn chế việc phải cọc nhiều hơn 10%. Tuy nhiên trong thực tế cũng có nhiều trường hợp cọc số tiền lớn hơn vì người mua xác định đây là cơ hội lớn vì mua được giá hời.

    (4) Thanh toán tiền mua nhà đất khi ký hợp đồng công chứng

    Bước này quan trọng nhất trong quy trình thanh toán tiền giao dịch bất động sản, thường thì các giao dịch mua bán hay bị mắc lỗi hoặc bị dính bẫy của đối phương trong bước này. Lời khuyên của Pháp lý giải pháp tài chính trong trường hợp này là chúng ta không nên thanh toán quá 95% tổng giá trị giao dịch bất động sản, lý do là sau khi ký hợp đồng công chứng, hai bên sẽ làm thủ tục đăng bộ và khai thuế, lệ phí trước bạ. Do đó, có thể ở giai đoạn này có những vướng mắc khiến việc đăng bộ, khai thuế, đóng lệ phí trước bạ không thành, 5% còn lại này chính là cầu nối để các bên thiện chí, hợp tác giải quyết với nhau khi có phát sinh.

    Do đó, để an toàn, bên mua nên thanh toán tại giai đoạn ký hợp đồng công chứng không quá 95% để tránh trường hợp bên bán phủi tay không thực hiện nghĩa vụ thuế và không hỗ trợ bên mua trong các giai đoạn sau.

    (5) Thanh toán sau khi khai thuế và đăng bộ hồ sơ nhà đất

    Sau khi hoàn tất các nghĩa vụ về thuế, các bên thực hiện đăng bộ hồ sơ nhà đất. Sau khi kiểm tra giấy tờ đầy đủ, bộ phận tiếp nhận hồ sơ sẽ ghi phiếu hẹn nhận sổ thường là 45 ngày làm việc. Sau khi nhận phiếu hẹn, bên mua có thể thanh toán phần còn lại cho bên mua hoặc có thể thanh toán sau khi nhận sổ, xem như giao dịch hoàn tất.

    Trên đây, là quy trình mua bán và thanh toán tiền giao dịch bất động sản mà Pháp lý giải pháp tài chính khuyên khách hàng nên thực hiện theo để đảm bảo quyền lợi khi giao dịch. Một vài trường hợp chủ nhà cố tình gài bẫy, dùng lời ngon ngọt để bên mua thanh toán nhiều hơn cần thiết thì chúng ta nên cẩn thận.

    Kinh nghiệm thanh toán tiền mua nhà đất tránh rủi ro mất tiền oan

    Kinh nghiệm thanh toán tiền mua nhà đất tránh rủi ro mất tiền oan (Hình ảnh từ internet)

    Những chiêu trò lừa tiền đặt cọc nhà đất

    Người mua sẽ rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” khi quyết định đồng ý lập hợp đồng đặt cọc khi chưa nắm rõ ràng, đầy đủ thông tin về nhà đất. Từ đó rất dễ bị rơi vào phương thức lừa đảo thông qua hợp đồng đặt cọc mua đất, nhà đất. Dưới đây là 1 số chiêu trò lừa đảo thường thấy:

    (1) Lừa nhận cọc tiền rồi biến mất: Khi người mua giao tiền đặt cọc theo hợp đồng đã thỏa thuận giữa 2 bên trong thời gian từ 15 đến 30 ngày, người bán lại lấy đủ lý do để không ký hợp đồng mua bán, không sang tên sổ đỏ,… thậm chí là biến mất không thể liên lạc.

    (2) Lừa bán đất của người khác để nhận tiền cọc: Hình thức lừa đảo này thường là người tự xưng là bên phía chủ dự án nhà đất hay người đứng tên trong sổ đỏ để thực hiện giao dịch với người mua. Sau khi người mua ký kết hợp đồng đặt cọc mua đất và nhận tiền cọc, các đối tượng này sẽ bỏ trốn khiến người mua không thể liên lạc lại và mất trắng tiền cọc.

    (3) Rao bán một mảnh đất cho nhiều người: Với vùng quy hoạch dự án khu đô thị lớn, cơn “sốt đất” nổ ra khiến nhiều nhà đầu tư muốn tìm và gom mua được nhiều mảnh đất để kiếm lời.

    Vì vậy, để tránh là nạn nhân trong những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi thì người mua hãy lưu ý những điều cần biết khi đặt cọc mua đất để đảm bảo không gặp phải rủi ro khi đặt cọc.

    saved-content
    unsaved-content
    26
    CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT