Nhà ở riêng lẻ chỉ có mục đích để ở đúng không? Mục đích sử dụng hỗn hợp của nhà ở riêng lẻ được hiểu như thế nào?
Nội dung chính
Nhà ở riêng lẻ chỉ có mục đích để ở đúng không?
Căn cứ khoản 2 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
2. Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân hoặc trên đất thuê, đất mượn của tổ chức, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập, được xây dựng với mục đích để ở hoặc mục đích sử dụng hỗn hợp.
...
Như vậy, theo quy định pháp luật, nhà ở riêng lẻ bên cạnh mục đích để ở còn có thể sử dụng nhà ở riêng lẻ cho mục đích sử dụng hỗn hợp.
Mục đích sử dụng hỗn hợp của nhà ở riêng lẻ được hiểu như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 2 Luật Nhà ở 2023 cụ thể:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, cá nhân. Nhà ở được sử dụng vào mục đích để ở và mục đích không phải để ở mà pháp luật không cấm là nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp.
2. Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân hoặc trên đất thuê, đất mượn của tổ chức, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập, được xây dựng với mục đích để ở hoặc mục đích sử dụng hỗn hợp.
...
Theo quy định trên thì nhà ở được sử dụng vào mục đích để ở và mục đích không phải để ở mà pháp luật không cấm là nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp. Như vậy, nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp là nhà ở được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, bao gồm để ở và không phải để ở mà pháp luật không cấm.
Nhà ở riêng lẻ chỉ có mục đích để ở đúng không? Mục đích sử dụng hỗn hợp của nhà ở riêng lẻ được hiểu như thế nào? (Hình từ internet)
Để được cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ thì cần đáp ứng các điều kiện như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 93 Luật Xây dựng 2014 có điều khoản được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 39 Luật Kiến trúc 2019, điểm i khoản 1 Điều 57 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 và cụm từ bị thay thế bởi điểm d khoản 1 Điều 57 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 quy định về điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ cụ thể như sau:
Điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ
1. Điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị gồm:
a) Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt và quy chế quản lý kiến trúc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;
b) Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh;
c) Thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 79 của Luật này;
d) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 95, Điều 96 và Điều 97 của Luật này.
2. Đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và phù hợp với quy hoạch chi tiết theo pháp luật về đô thị và nông thôn; đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định thì phải phù hợp với quy hoạch chi tiết theo pháp luật về đô thị và nông thôn hoặc thiết kế đô thị riêng hoặc quy chế quản lý kiến trúc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
3. Đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn khi xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết theo pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn.
Theo đó, điều kiện cấp giấy phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ tại đô thị và tại nông thôn được quy định như trên.
Thời gian bảo hành đối với nhà ở riêng lẻ là bao lâu?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 129 Luật Nhà ở 2023 quy định thời hạn bảo hành nhà ở như sau:
Bảo hành nhà ở
1. Tổ chức, cá nhân thi công xây dựng nhà ở phải bảo hành nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng; tổ chức, cá nhân cung ứng trang thiết bị nhà ở phải bảo hành trang thiết bị theo thời hạn do nhà sản xuất quy định.
...
2. Nhà ở được bảo hành kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng với thời hạn như sau:
a) Đối với nhà chung cư thì tối thiểu là 60 tháng;
b) Đối với nhà ở riêng lẻ thì tối thiểu là 24 tháng.
Theo như quy định trên thì tổ chức, cá nhân thi công xây dựng nhà ở phải bảo hành nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng và cung ứng trang thiết bị nhà ở phải bảo hành trang thiết bị theo thời hạn do nhà sản xuất quy định.
Nhà ở riêng lé được bảo hành kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng với thời hạn tối thiểu là 24 tháng.