Loading


Căn hộ chia sẻ là gì? Nhà chung cư và căn hộ chia sè có giống nhau không?

Giới trẻ đang bị thu hút bởi mô hình căn hộ chia sẻ, vậy phân biệt căn hộ chia sẻ với nhà chung cư như thế nào? Nhà chung cư và căn hộ chia sè có giống nhau không?

Nội dung chính

    Căn hộ chia sẻ là gì?

    Căn hộ chia sẻ hay Co-living là mô hình bất động sản mới nổi, đặc biệt phổ biến ở các đô thị lớn và được giới trẻ gọi vui là ngôi nhà tập thể. Mô hình này cho phép nhiều người thuê chung một căn hộ hoặc không gian sống nhưng có thể sử dụng các tiện ích chung như nhà bếp, phòng khách, và khu vực giải trí.

    Có nhiều loại không gian co-living khác nhau, từ những ngôi nhà tập thể nơi cư dân giao lưu nhiều nhất có thể, đến những căn hộ có không gian riêng tư nhưng vẫn có khu vực chung để gặp gỡ khi họ muốn. Mô hình co-living có thể cung cấp nơi ở tạm thời hoặc lâu dài, với những người sống chung cùng chia sẻ chi phí thuê nhà và sử dụng các không gian chung như nhà bếp hay phòng sinh hoạt.

    Một mô hình coliving chuẩn phải bao gồm hai yếu tố chính: không gian chung và không gian riêng. Nghĩa là, dù sống chung, mỗi cá nhân vẫn có không gian riêng của mình. Tuy nhiên, quy định pháp luật về căn hộ chia sẻ tại Việt Nam hiện vẫn chưa rõ ràng và chưa có khung pháp lý riêng biệt điều chỉnh mô hình này.

    Căn hộ chia sẻ là gì? Nhà chung cư và căn hộ chia sè có giống nhau không?

    Căn hộ chia sẻ là gì? Nhà chung cư và căn hộ chia sè có giống nhau không? (Hình từ Internet)

    Căn hộ chia sẻ và nhà chung cư có giống nhau không?

    Căn cứ theo khoản 3 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    ...
    3. Nhà chung cư là nhà ở có từ 02 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp.”

    Căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 28/2016/TT-BXD quy định như sau:

    Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15 tháng 2 năm 2016 như sau:
    1. Khoản 2, Khoản 3 Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:
    Tòa nhà chung cư là một khối nhà (block) độc lập hoặc một số khối nhà có chung khối đế nổi trên mặt đất được xây dựng theo quy hoạch và hồ sơ dự án do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

    Như vậy, nhà chung cư là loại hình nhà ở gồm nhiều căn hộ riêng biệt, độc lập, nhưng có chung một số khu vực và trang thiết bị sử dụng chung. Nhà chung cư thường có từ 2 tầng trở lên, với nhiều căn hộ, có lối đi và cầu thang chung, đồng thời có các khu vực sở hữu riêng và sở hữu chung.

    Các căn hộ có đầy đủ không gian riêng tư (phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp) và hệ thống công trình hạ tầng được sử dụng chung. Nhà chung cư có thể được xây dựng chỉ để ở hoặc có mục đích sử dụng hỗn hợp, kết hợp giữa nhu cầu ở và kinh doanh.

    Căn cứ theo điểm c khoản 8 Điều 3 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:

    Các hành vi bị nghiêm cấm
    8. Các hành vi trong quản lý, sử dụng nhà chung cư bao gồm:
    ...
    Tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư; sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; thay đổi, làm hư hại kết cấu chịu lực; chia, tách căn hộ không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

    Có thể thấy, nhà chung cư có thể được xem là căn hộ chia sẻ nếu chủ sở hữu muốn cho thuê lại với nhiều người khác nhưng đây là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật vì chủ sở hữu không có quyền tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng nhà chung cư.

    Bên cạnh đó, nếu tách bạch hai khái niệm thì trong nhà chung cư, không gian chung thường chỉ giới hạn ở các tiện ích chung của tòa nhà, trong khi căn hộ chia sẻ có nhiều không gian sinh hoạt chung hơn giữa các cư dân trong một căn hộ.

    Nhà chung cư hướng đến sự riêng tư và độc lập cũng như sở hữu độc lập từng căn, còn căn hộ chia sẻ khuyến khích cộng đồng chia sẻ và tương tác xã hội qua việc kết hợp giữa không gian cá nhân và không gian chung.

    Muốn sử dụng căn hộ chia sẻ cần phải làm gì?

    Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 57 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:

    Phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê
    1. Cá nhân có quyền sử dụng đất ở theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này xây dựng nhà ở trong các trường hợp sau đây thì phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, việc đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở:
    a) Nhà ở có từ 02 tầng trở lên mà tại mỗi tầng có thiết kế, xây dựng căn hộ để bán, để cho thuê mua, để kết hợp bán, cho thuê mua, cho thuê căn hộ;
    b) Nhà ở có từ 02 tầng trở lên và có quy mô từ 20 căn hộ trở lên để cho thuê.
    2. Căn hộ quy định tại khoản 1 Điều này được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về đất đai, được bán, cho thuê mua, cho thuê theo quy định của Luật này, pháp luật về kinh doanh bất động sản.

    Như vậy, để kinh doanh căn hộ chia sẻ, cá nhân phải là chủ dự án đầu tư xây dựng nhà ở và việc đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở nêu trên.

    Căn cứ theo Điều 472 Bộ Luật dân sự 2015 quy định như sau:

    Hợp đồng thuê tài sản
    Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.
    Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Như vậy, cần ký kết hợp đồng thuê nhà ở đối với căn hộ chia sẻ, trong đó người cho thuê và người thuê phải tuân thủ các điều khoản liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên.

    saved-content
    unsaved-content
    37