Loading


Gạch không nung là gì? Những lợi ích khi sử dụng gạch không nung trong xây dựng

Gạch không nung là vật liệu xây dựng bền vững, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường, đang ngày càng được ưa chuộng trong các công trình hiện đại.

Nội dung chính

    Giới thiệu về gạch không nung trong xây dựng

    Sản phẩm gạch không nung ngày càng được ưa chuộng trong các công trình xây dựng nhờ vào những ưu điểm nổi bật như nhẹ, bền, khả năng cách âm, cách nhiệt tốt và ít gây ô nhiễm môi trường. Đây là loại vật liệu xây dựng được tạo từ những phụ phẩm, phế thải hoặc các loại cốt liệu như mạt đá, cát, xi măng và một số thành phần phụ gia khác… thông qua quá trình tạo hình, đóng rắn mà không cần sử dụng đến nhiệt.

    Gạch không nung là loại vật liệu xây dựng quan trọng không thể thiếu, có ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình. Việc tăng cường sử dụng và sản xuất gạch không nung được xem là xu hướng tất yếu không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

    Các quốc gia trên thế giới đã từ lâu áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN), tận dụng phế thải công nghiệp, tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ở Việt Nam, Chương trình phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2030 gắn mục tiêu đẩy mạnh sản xuất và sử dụng gạch không nung để thay thế gạch đất sét nung. Theo đó, tỷ lệ sử dụng gạch không nung dự kiến sẽ tăng từ 35-40% vào năm 2025 lên 40-45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây dựng.

    Gạch không nung là gì? Những lợi ích khi sử dụng gạch không nung trong xây dựng (Hình ảnh Internet)

    Những lợi ích khi sử dụng gạch không nung trong xây dựng

    Gạch không nung có nhiều ưu điểm nổi bật như nhẹ, bền, dễ thi công và có khả năng cách âm, cách nhiệt tốt, giúp mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với các loại vật liệu nung truyền thống. Sử dụng gạch không nung còn giúp kéo dài tuổi thọ công trình, vì vật liệu này có độ bền cao, bề mặt nhẵn mịn, ít cần vữa khi thi công, giúp tiết kiệm chi phí.

    Bên cạnh đó, gạch không nung rất đa dạng về mẫu mã và chủng loại, bao gồm các loại gạch bê tông, gạch bê tông khí chưng áp, bê tông khí không chưng áp, bê tông bọt, gạch silicat… phù hợp với nhiều loại hình công trình khác nhau. Việc sử dụng gạch không nung kích thước lớn giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng so với việc dùng từng viên gạch nhỏ truyền thống.

    Thực trạng và các chính sách hỗ trợ đối với gạch không nung ở Việt Nam

    Ngày 23-12-2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 2171/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030. Mục tiêu chung của chương trình này là đẩy mạnh sản xuất và sử dụng VLXDKN để thay thế gạch đất sét nung, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, tận dụng phế thải từ các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu.

    Tỷ lệ sử dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng tại Việt Nam, dự kiến đến năm 2025, đối với các công trình sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước ngoài đầu tư công, tỷ lệ sử dụng gạch không nung tại Thành phố Hà Nội và TP.HCM sẽ tối thiểu là 90%. Tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, các tỉnh Đông Nam bộ, tỷ lệ sử dụng lần lượt là tối thiểu 80% và 70%. Đối với các đô thị từ loại III trở lên, tỷ lệ sử dụng gạch không nung tối thiểu là 70%, ngoại trừ các thành phố Đà Nẵng và Cần Thơ, tỷ lệ này sẽ là 80%.

    Trong giai đoạn đến năm 2030, tất cả các công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn đầu tư công và vốn nhà nước ngoài đầu tư công sẽ phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung. Đối với các công trình từ 9 tầng trở lên, tỷ lệ sử dụng gạch không nung sẽ là tối thiểu 90%.

    Việc sản xuất và sử dụng gạch không nung thay thế dần gạch đất sét nung truyền thống là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các chính sách nhà nước. Ngoài việc giúp giảm giá thành sản phẩm, Nhà nước cần có các giải pháp nâng cao nhận thức cộng đồng về những lợi ích mà gạch không nung mang lại. Các quy định về sản xuất, sử dụng gạch không nung cần phải được đảm bảo để bảo vệ tài nguyên khoáng sản và môi trường.

    saved-content
    unsaved-content
    107