Nguyên tắc trang bị nội thất nhà ở công vụ được quy định thế nào?
Nội dung chính
Nguyên tắc trang bị nội thất nhà ở công vụ được quy định thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 2 Quyết định 11/2024/QĐ-TTg quy định nguyên tắc trang bị nội thất nhà ở công vụ như sau:
- Kinh phí cho việc đầu tư xây dựng nhà ở công vụ và các trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ sử dụng từ vốn ngân sách nhà nước bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương;
- Trang thiết bị nội thất gắn liền với nhà ở công vụ đã được tính vào chi phí đầu tư xây dựng nhà ở công vụ hoặc mua nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ, bao gồm: Hệ thống máy điều hòa nhiệt độ; tủ bếp đồng bộ (bao gồm tủ bếp, chậu, vòi rửa, bếp, máy hút mùi); bình nóng lạnh; thiết bị vệ sinh đồng bộ;
- Trang thiết bị nội thất không gắn liền với nhà ở công vụ bao gồm: Phòng khách: 01 bộ bàn ghế và 01 kệ ti vi; phòng bếp: 01 bộ bàn ghế ăn, 01 tủ lạnh; phòng ngủ: 01 tủ quần áo, 01 giường, 01 đệm; 01 bộ bàn ghế làm việc; 01 máy giặt;
- Trang thiết bị nội thất đối với biệt thự công vụ, nhà ở liền kề, căn hộ chung cư quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều 3 của Quyết định này thực hiện theo quy định tại điểm b và điểm c khoản này;
- Đối với trang thiết bị nội thất cho nhà ở công vụ quy định điểm d khoản 1 Điều 3 của Quyết định 11/2024/QĐ-TTg, bao gồm: 01 bộ bàn ghế, 01 tủ lạnh, 01 tủ quần áo, 01 quạt, 01 giường, 01 đệm;
- Việc lựa chọn trang thiết bị nội thất phải phù hợp với công năng, diện tích, không gian của từng phòng trong nhà ở công vụ đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả theo quy định; đối với nhà ở công vụ khi mua đã có trang thiết bị nội thất thì không được trang bị thay thế mà chỉ được trang bị bổ sung những trang thiết bị còn thiếu hoặc chưa đồng bộ theo thiết kế phù hợp với quy định tại điểm b, c và đ khoản này;
- Đối với nhà ở công vụ đã được đầu tư xây dựng trước đây mà chưa trang bị đầy đủ các trang thiết bị nội thất thì cơ quan quản lý nhà ở công vụ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trang bị bổ sung các trang thiết bị nội thất theo quy định;
- Việc trang bị nội thất nhà ở công vụ phải lập dự toán, kế hoạch mua sắm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và thực hiện thanh toán, quyết toán theo quy định của pháp luật hiện hành;
- Trường hợp khi bố trí cho thuê nhà ở công vụ mà các trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ được trang bị trước đó đã qua sử dụng nhưng chưa hết khấu hao hoặc đã hết khấu hao nhưng còn sử dụng được thì vẫn tiếp tục bố trí sử dụng các trang thiết bị nội thất đó.
Xem thêm: Bí quyết tránh những lỗi phong thủy cơ bản khi bài trí nội thất trong nhà
Nguyên tắc trang bị nội thất nhà ở công vụ được quy định thế nào? (Hình từ Internet)
Có được tự do mua sắm để thay thế trang thiết bị nội thất nhà công vụ hay không?
Căn cứ khoản 3 Điều 2 Quyết định 11/2024/QĐ-TTg quy định về nguyên tắc lập kế hoạch mua sắm để thay thế trang thiết bị nội thất như sau:
Trường hợp các trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ đã hết khấu hao mà không tiếp tục sử dụng được thì việc lập kế hoạch mua sắm để thay thế trang thiết bị nội thất được thực hiện như sau:
- Đối với việc mua sắm trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ của các cơ quan trung ương (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an): Bộ Xây dựng lập kế hoạch mua sắm, thống nhất với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
- Đối với việc mua sắm trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an lập kế hoạch mua sắm, thống nhất với Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
- Đối với việc mua sắm trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ của địa phương, Sở Xây dựng lập kế hoạch mua sắm, thống nhất với Sở Tài chính báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Theo đó, không được tự ý mua sắm mua sắm để thay thế trang thiết bị nội thất nhà công vụ, việc mua sắm phải tuân thủ nguyên tắc lập kế hoạch mua sắm để thay thế trang thiết bị nội thất.
Bố trí cho thuê nhà ở công vụ phải tuân thủ nguyên tắc nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Quyết định 11/2024/QĐ-TTg quy định nguyên tắc bố trí cho thuê nhà ở công vụ như sau:
- Bố trí cho thuê nhà ở công vụ phải đảm bảo đúng đối tượng, đủ điều kiện theo quy định tại Điều 45 của Luật Nhà ở;
- Đối với nhà ở công vụ thuộc sở hữu của Đảng Cộng sản Việt Nam (do Văn phòng Trung ương Đảng quản lý) thì thực hiện theo quy định của pháp luật và quy định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng;
- Trường hợp một người đồng thời đảm nhận nhiều chức danh có đủ điều kiện được bố trí cho thuê nhà ở công vụ thì áp dụng bố trí cho thuê nhà ở công vụ theo chức danh cao nhất;
- Trường hợp do không đủ loại nhà ở công vụ để bố trí cho thuê theo tiêu chuẩn, căn cứ vào quỹ nhà ở công vụ hiện có cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở công vụ xem xét, quyết định việc bố trí cho thuê cho phù hợp;
- Đối với đối tượng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 45 của Luật Nhà ở, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bố trí cho thuê, tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ theo đề nghị của Bộ Xây dựng;
- Thời hạn cho thuê nhà ở công vụ theo thời gian đảm nhận chức vụ mà người thuê được điều động, luân chuyển, biệt phái, bổ nhiệm hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ, đảm bảo thuộc đối tượng và điều kiện thuê nhà ở công vụ theo quy định pháp luật về nhà ở.