Loading

10:53 - 11/11/2024

8 lưu ý để Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hợp lệ

Khi nhận giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thì có cần phải lưu ý vấn đề gì để giấy chứng nhận này được xem là hợp lệ không?

Nội dung chính

    8 lưu ý để Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hợp lệ

    Theo hướng dẫn tại Công văn 1953/BHXH-CĐ năm 2018 thì việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cần lưu ý những vấn đề sau:

    - Phải tuân thủ theo đúng mẫu biểu và nội dung hướng dẫn lập mẫu được quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm Thông tư số 56/2017/TT-BYT.

    - Cơ sở khám chữa bệnh phải sử dụng đúng mẫu GCN đã được ban hành; ghi đúng, đầy đủ, rõ ràng, không được tẩy xóa, không viết hai màu mực và ghi toàn bộ bằng tiếng Việt các nội dung trong mẫu (nội dung hai liên phải như nhau); cấp GCN kịp thời, đúng ngày người lao động đến khám bệnh (hoặc chăm con ốm) hoặc ngay sau khi điều trị nội trú xong ra viện; ngày bắt đầu phải trùng với ngày người bệnh đến khám, không thực hiện cấp lùi ngày hoặc cấp trước ngày người lao động đến khám bệnh. Tuyệt đối không thực hiện cấp GCN cho người lao động không khám, chữa bệnh (cấp khống).

    - Một lần khám chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.

    - Giấy chứng nhận phải có đầy đủ, đúng chữ ký và họ tên của người hành nghề (y, bác sỹ) làm việc tại cơ sở khám chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động và được người đứng đầu phân công ký cấp GCN; Giám đốc hoặc Phó Giám đốc hoặc các Trưởng khoa, phòng, trạm y tế của các cơ sở khám chữa bệnh đó đã được Giám đốc phân công, ủy quyền ký thay (bằng văn bản) cần ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu pháp nhân đầy đủ (trừ trường hợp sử dụng chữ ký số) vào phần xác nhận của Thủ trưởng theo mẫu quy định, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực trong việc cấp GCN.

    - Phần ký xác nhận của Thủ trưởng đơn vị: trường hợp người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh (hoặc người được người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh ủy quyền) được ký và đóng dấu đồng thời cũng là người khám bệnh thì chỉ cần ký và đóng dấu ở phần xác nhận của Thủ trưởng đơn vị và không phải ký tên ở phần người hành nghề khám chữa bệnh nhưng vẫn phải ghi ngày, tháng, năm cấp GCN.

    - Đối với trường hợp cấp GCN cho người lao động mắc bệnh cần chữa trị bệnh dài ngày đề nghị y, bác sỹ khám chữa bệnh phải ghi đầy đủ tên bệnh và mã bệnh dài ngày theo đúng Danh mục ban hành của Bộ Y tế.

    - Khi các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện cấp lại mẫu GCN (kể cả các loại giấy tờ khác như: Giấy ra viện, Giấy chứng sinh, Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, Giấy chứng nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh) phải đóng dấu “Cấp lại”; trường hợp có sửa đổi, bổ sung nội dung thì phải đóng dấu treo của cơ sở khám chữa bệnh (dấu đã đăng ký với Cơ quan BHXH) tại phần nội dung bổ sung, sửa đổi.

    - Trường hợp các cơ sở khám chữa bệnh cấp GCN và các loại giấy tờ làm căn cứ để cơ quan BHXH thanh toán chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động không đúng quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT, cơ quan BHXH sẽ từ chối giải quyết. Các trường hợp không được cơ quan BHXH thanh toán, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động thì cơ sở khám chữa bệnh nơi đã cấp GCN phải chịu trách nhiệm trong việc bồi thường cho người lao động.

    saved-content
    unsaved-content
    119