15:43 - 23/12/2024

Ai có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tuyệt mật?

Ai có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tuyệt mật? Quy định về vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước như thế nào?

Nội dung chính

    Ai có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tuyệt mật?

    Căn cứ khoản 1 Điều 11 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 quy định người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tuyệt mật bao gồm:

    - Người đứng đầu cơ quan của Trung ương Đảng; người đứng đầu tổ chức trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

    - Người đứng đầu cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

    - Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.

    - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

    - Tổng Kiểm toán nhà nước.

    - Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

    - Người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.

    - Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

    - Người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ.

    - Bí thư tỉnh ủy, thành ủy và Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

    - Cấp trên trực tiếp của những người quy định tại các điểm a, b, c, h và i khoản 1 Điều 11 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018

    - Người đứng đầu Văn phòng Kiểm toán nhà nước, đơn vị thuộc bộ máy điều hành của Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán nhà nước khu vực.

    - Người đứng đầu tổng cục, cục, vụ và tương đương trực thuộc cơ quan quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 11 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018, trừ người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

    - Người đứng đầu cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

    Ai có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tuyệt mật?

    Ai có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tuyệt mật? (Hình từ internet)

    Quy định về vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước như thế nào?

    Căn cứ Điều 13 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 quy định về vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước như sau:

    - Vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ở trong nước do người làm công tác liên quan đến bí mật nhà nước, người làm công tác giao liên hoặc văn thư của cơ quan, tổ chức thực hiện.

    - Vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước giữa cơ quan, tổ chức ở trong nước với cơ quan, tổ chức của Việt Nam ở nước ngoài hoặc giữa các cơ quan, tổ chức của Việt Nam ở nước ngoài với nhau do giao liên ngoại giao hoặc người được giao nhiệm vụ thực hiện.

    - Vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải thực hiện theo nguyên tắc giữ kín, niêm phong.

    - Trong quá trình vận chuyển tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải có biện pháp bảo quản, bảo đảm an toàn; trường hợp cần thiết phải có lực lượng bảo vệ.

    - Vận chuyển tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước qua dịch vụ bưu chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về bưu chính.

    - Nơi gửi và nơi nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải kiểm tra, đối chiếu để kịp thời phát hiện sai sót và có biện pháp xử lý; việc giao, nhận phải được ghi đầy đủ vào sổ theo dõi riêng, người nhận phải ký nhận.

    Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ được quy định như thế nào?

    Căn cứ Điều 14 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 quy định về mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ như sau:

    - Việc mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ để phục vụ công tác ở trong nước phải được người đứng đầu hoặc cấp phó được ủy quyền của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý bí mật nhà nước cho phép.

    - Việc mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ để phục vụ công tác ở nước ngoài phải được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, người có thẩm quyền quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g, h, i, k và l khoản 1 Điều 11 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 hoặc cấp phó được ủy quyền cho phép và phải báo cáo Trưởng đoàn công tác.

    - Trong quá trình mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ phải có biện pháp bảo quản, bảo đảm an toàn.

    - Trong thời gian mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ, nếu phát hiện bí mật nhà nước bị lộ, bị mất, người mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải báo cáo ngay với người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý, Trưởng đoàn công tác để có biện pháp xử lý và khắc phục hậu quả.

    saved-content
    unsaved-content
    38
    CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT