Loading

17:44 - 20/12/2024

Chế độ hỗ trợ cho nạn nhân mua bán người và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của mua bán người từ tháng 7/2025

Luật Phòng, chống mua bán người 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025 quy định về chế độ hỗ trợ cho nạn nhân mua bán người và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Nội dung chính

    Nạn nhân của mua bán người, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân mua bán người là ai?

    Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống mua bán người 2024 quy định mua bán người là hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể người hoặc nhằm mục đích vô nhân đạo khác bằng cách dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác.

    Hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể người hoặc nhằm mục đích vô nhân đạo khác cũng được coi là mua bán người ngay cả khi không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác.

    Căn cứ tại khoản 7, khoản 8 Điều 2 Luật Phòng, chống mua bán người 2024 định nghĩa về nạn nhân của mua bán người, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân mua bán người như sau: 

    - Nạn nhân mua bán người là người bị xâm hại bởi hành vi quy định tại khoản 1 Điều này và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

    - Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là người có dấu hiệu bị xâm hại bởi hành vi quy định tại khoản 1 Điều này và đang được cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh.

    Chế độ hỗ trợ cho nạn nhân mua bán người và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của mua bán người từ tháng 7/2025

    Chế độ hỗ trợ cho nạn nhân mua bán người và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của mua bán người từ tháng 7/2025 (Hình từ Internet)

    Nạn nhân của mua bán người được hưởng chế độ hỗ trợ gì từ tháng 7/2025?

    Căn cứ Điều 37 Luật Phòng, chống mua bán người 2024 quy định nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của mua bán người được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người 2024.

    Tùy từng đối tượng sẽ được hưởng các chế độ hỗ trợ khác nhau, cụ thể:

    (1) Nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam

    Đối tượng này sẽ được hưởng các chế độ hỗ trợ sau:

    - Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu;

    - Hỗ trợ y tế;

    - Hỗ trợ phiên dịch;

    - Hỗ trợ pháp luật;

    - Trợ giúp pháp lý;

    - Hỗ trợ chi phí đi lại;

    - Hỗ trợ tâm lý;

    - Hỗ trợ học văn hóa;

    - Hỗ trợ học nghề, tư vấn, tạo điều kiện để có việc làm;

    - Trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.

    (2) Người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam

    Đối tượng này sẽ được hưởng các chế độ hỗ trợ sau:

    - Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu;

    - Hỗ trợ y tế;

    - Hỗ trợ phiên dịch;

    - Hỗ trợ pháp luật;

    - Trợ giúp pháp lý;

    - Hỗ trợ chi phí đi lại;

    - Hỗ trợ tâm lý;

    - Hỗ trợ học văn hóa.

    (3) Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là công dân Việt Nam và người dưới 18 tuổi đi cùng đang ở nước ngoài

    Đối tượng này sẽ được hưởng các chế độ hỗ trợ sau:

    - Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu;

    - Hỗ trợ y tế;

    - Hỗ trợ phiên dịch;

    - Hỗ trợ pháp luật.

    (4) Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam và người dưới 18 tuổi đi cùng ở trong nước

    Đối tượng này sẽ được hưởng các chế độ hỗ trợ sau:

    - Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu;

    - Hỗ trợ y tế;

    - Hỗ trợ phiên dịch;

    - Hỗ trợ pháp luật;

    - Trợ giúp pháp lý;

    - Hỗ trợ chi phí đi lại;

    - Hỗ trợ tâm lý.

    (5) Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam

    Đối tượng này thì tùy từng trường hợp được hưởng chế độ hỗ trợ sau:

    - Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu;

    - Hỗ trợ y tế;

    - Hỗ trợ phiên dịch;

    - Hỗ trợ pháp luật;

    - Trợ giúp pháp lý;

    - Hỗ trợ tâm lý.

    Các chế độ hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân mua bán người

    (1) Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu

    Căn cứ Điều 38 Luật Phòng, chống mua bán người 2024 quy định chế độ hỗ trợ nhu cầu thiết yếu như sau: Trong trường hợp cần thiết, nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng được bố trí chỗ ở tạm thời, được hỗ trợ về ăn, mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác trên cơ sở điều kiện thực tế và đặc điểm về tín ngưỡng, tôn giáo, độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, đặc điểm cá nhân của họ.

    (2) Hỗ trợ y tế

    Căn cứ Điều 39 Luật Phòng, chống mua bán người 2024 quy định chế độ hỗ trợ y tế như sau:

    - Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng được khám sức khỏe khi tiếp nhận, được sơ cứu, cấp cứu nếu họ bị thương tích, tổn hại sức khỏe; trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân nếu cần được chăm sóc để phục hồi sức khỏe thì được hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

    - Nạn nhân chưa có bảo hiểm y tế thì được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế trong năm đầu tiên kể từ khi họ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là nạn nhân.

    (3) Hỗ trợ phiên dịch

    Căn cứ Điều 40 Luật Phòng, chống mua bán người 2024 quy định chế độ hỗ trợ phiên dịch như sau:

    - Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng không biết, không hiểu tiếng Việt được hỗ trợ chi phí phiên dịch trong thời gian làm thủ tục xác minh là nạn nhân.

    - Nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng không biết, không hiểu tiếng Việt được hỗ trợ chi phí phiên dịch trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

    (4) Hỗ trợ pháp luật

    Căn cứ khoản 1 Điều 41 Luật Phòng, chống mua bán người 2024 quy định chế độ hỗ trợ pháp luật như sau: Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng được hỗ trợ pháp luật bằng hình thức tư vấn để phòng ngừa bị mua bán trở lại, tư vấn làm thủ tục đăng ký cư trú, hộ tịch, làm thẻ căn cước, nhận chế độ hỗ trợ.

    (5) Trợ giúp pháp lý

    Căn cứ khoản 2 Điều 41 Luật Phòng, chống mua bán người 2024 quy định chế độ trợ giúp pháp lý như sau: Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng được trợ giúp pháp lý bằng các hình thức theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý đối với nội dung có liên quan đến vụ việc, vụ án mua bán người.

    (6) Hỗ trợ chi phí đi lại

    Căn cứ Điều 42 Luật Phòng, chống mua bán người 2024 quy định chế độ hỗ trợ chi phí đi lại như sau: Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng có nguyện vọng trở về nơi cư trú thì được hỗ trợ chi phí tiền tàu, xe đi lại trong nước và tiền ăn trong thời gian đi đường.

    (7) Hỗ trợ tâm lý

    Căn cứ Điều 43 Luật Phòng, chống mua bán người 2024 quy định chế độ hỗ trợ tâm lý như sau: Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian không quá 03 tháng.

    (8) Hỗ trợ học văn hóa

    Căn cứ khoản 1 Điều 44 Luật Phòng, chống mua bán người 2024 quy định chế độ hỗ trợ học văn hóa như sau: Nạn nhân là người dưới 18 tuổi, người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân nếu tiếp tục đi học thì được hỗ trợ tiền học phí, tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập trong năm học đầu tiên và năm liền kề kể từ khi được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là nạn nhân.

    (9) Hỗ trợ học nghề, tư vấn, tạo điều kiện để có việc làm

    Căn cứ khoản 2 Điều 44 Luật Phòng, chống mua bán người 2024 quy định chế độ hỗ trợ học nghề, tư vấn, tạo điều kiện để có việc làm như sau: Nạn nhân khi trở về nơi cư trú được xem xét hỗ trợ học nghề, tư vấn, tạo điều kiện để có việc làm ổn định cuộc sống.

    (10) Trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn

    Căn cứ Điều 45 Luật Phòng, chống mua bán người 2024 quy định chế độ trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn như sau:

    - Nạn nhân khi trở về nơi cư trú được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu.

    - Nạn nhân khi trở về nơi cư trú có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay với các chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định của pháp luật.

    saved-content
    unsaved-content
    58