Loading

07:03 - 18/12/2024

Có được tự ý xét đồ người khác khi nghi ngờ họ trộm cắp tài sản không?

Như vậy, hành vi tự ý xét đồ người khác vì nghi ngờ lấy cắp tài sản gây tổn hại nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm của người bị khám xét, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Nội dung chính

    Có được tự ý xét đồ người khác khi nghi ngờ họ trộm cắp tài sản không?

    Căn cứ tại Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định về việc tự ý xét đồ người khác nghi ngờ trộm cắp tài sản:

    Điều 20.
    1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
    2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.
    3. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm.

    Bên cạnh đó, căn cứ tại khoản 1 Điều 192 Bộ luậtTố tụng hình sự 2015 quy định về căn cứ khám xét người như sau: 

    Căn cứ khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, tài liệu, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử
    1. Việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
    Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.
    2. Khi có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án thì có thể khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử.

    Đồng thời, căn cứ tại Điều 194 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về việc khám xét người như sau:

    Khám xét người
    1. Khi bắt đầu khám xét người, người thi hành lệnh khám xét phải đọc lệnh và đưa cho người bị khám xét đọc lệnh đó; giải thích cho người bị khám xét và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ.
    Người tiến hành khám xét phải yêu cầu người bị khám xét đưa ra các tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án, nếu họ từ chối hoặc đưa ra không đầy đủ các tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì tiến hành khám xét.
    2. Việc khám xét người phải do người cùng giới thực hiện và có người khác cùng giới chứng kiến. Việc khám xét không được xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị khám xét.
    3. Có thể tiến hành khám xét người mà không cần có lệnh trong trường hợp bắt người hoặc khi có căn cứ để khẳng định người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người vũ khí, hung khí, chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án.

    Theo các quy định trên, mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được bảo vệ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay chịu bất kỳ hành vi nào khác xâm phạm đến thân thể, sức khỏe hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

    Việc khám xét người chỉ được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền, và chỉ khi có đủ căn cứ cho thấy người đó đang mang theo công cụ, phương tiện phạm tội, tài sản do phạm tội mà có, hoặc các đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử có liên quan đến vụ án.

    Do đó, việc một cá nhân tự ý khám xét hoặc lục soát người khác với lý do nghi ngờ trộm cắp là hành vi trái pháp luật. Hành động này không chỉ vi phạm quyền cá nhân được pháp luật bảo vệ mà còn gây tổn hại và xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người bị khám xét.

    Có được tự ý xét đồ người khác khi nghi ngờ họ trộm cắp tài sản không?

    Có được tự ý xét đồ người khác khi nghi ngờ họ trộm cắp tài sản không? (Hình từ Internet)

    Tự ý xét đồ người khác khi nghi ngờ họ trộm tài sản có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

    Căn cứ tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội làm nhục người người khác như sau:

    Tội làm nhục người khác
    1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
    a) Phạm tội 02 lần trở lên;
    b) Đối với 02 người trở lên;
    c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
    d) Đối với người đang thi hành công vụ;
    đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
    e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
    g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
    a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
    b) Làm nạn nhân tự sát.
    4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Như vậy, hành vi tự ý khám xét hoặc lục soát người khác vì nghi ngờ lấy cắp tài sản, gây tổn hại nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm của người bị khám xét, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác.

    Mức hình phạt đối với tội danh này có thể lên đến 05 năm tù. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình thức xử lý bổ sung, bao gồm cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong thời gian từ 01 đến 05 năm.

    Khi nghi ngờ người khác có hành vi trộm cắp, cần phải làm gì?

    Khi nghi ngờ người khác có hành vi trộm cắp, nếu chưa có căn cứ rõ ràng về việc trong người họ có phương tiện hoặc tài sản do phạm tội mà có, người dân không được phép tự ý lục soát.

    Thay vào đó, hành động đúng đắn là tố giác hành vi này đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là cơ quan công an, để tiến hành xác minh và xử lý đúng quy định của pháp luật.

    Công dân có thể tố giác thông qua các hình thức sau:

    - Tố giác bằng miệng: Trực tiếp đến trình báo tại cơ quan công an hoặc thông qua điện thoại để báo tin về hành vi nghi ngờ trộm cắp.

    - Tố giác bằng văn bản: Gửi đơn tố giác trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến cơ quan có thẩm quyền.

    Đồng thời, căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 như sau:

    Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
    1. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
    ....

    Theo đó, khi phát hiện tài sản bị mất trộm, cá nhân có quyền trình báo ngay với cơ quan công an để tố giác hành vi phạm tội. Cơ quan công an có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ thông tin về vụ việc và giải quyết kịp thời, không được từ chối đơn tố giác.

    Cơ quan công an sẽ sử dụng các kỹ năng nghiệp vụ để xác minh xem liệu có thật sự xảy ra hành vi trộm cắp tài sản hay không. Do đó, ngay cả khi không có dấu hiệu đột nhập vào nhà nhưng tài sản vẫn bị mất, người dân vẫn có quyền trình báo cho cơ quan công an.

    Cần lưu ý rằng việc cung cấp chứng cứ hoặc tài liệu liên quan đến việc mất trộm tài sản không phải là nghĩa vụ bắt buộc của người dân khi trình báo. Vì vậy, dù không có chứng cứ cụ thể, công dân vẫn có thể thông báo vụ việc cho cơ quan công an để được xử lý theo quy định của pháp luật.

    saved-content
    unsaved-content
    111