Đến năm 2050, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ngang tầm phát triển với các thành phố lớn khác tại khu vực và Châu Á?
Nội dung chính
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030?
Ngày 26/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 642/QĐ-TTg năm 2022 về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại mục I Điều 1 Quyết định 642/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định như sau:
- Tên Quy hoạch
+ Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Phạm vi ranh giới quy hoạch
+ Phần lãnh thổ đất liền: toàn bộ diện tích của Thành phố Hồ Chí Minh là 2.095 km
+ Tọa độ địa lý: từ 10°10' đến 10°38' vĩ độ Bắc và 106°20' đến 106°54' kinh độ Đông
+ Ranh giới hành chính: bao gồm thành phố Thủ Đức và 21 đơn vị hành chính cấp quận, huyện. Phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương; phía Nam giáp biển Đông; phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh, tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang.
+ Phần không gian biển: được xác định trên cơ sở Luật Biển Việt Nam số 18/2012/QH13, Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về việc giao các khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” và các văn bản liên quan.
- Thời kỳ lập quy hoạch
+ Thời kỳ lập quy hoạch: 2021-2030;
+ Tầm nhìn dài hạn: đến năm 2050
Năm 2050, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ngang tầm phát triển với các thành phố lớn khác tại khu vực và Châu Á?
Năm 2050, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là đô thị ngang tầm với các thành phố lớn của Châu Á?
Theo tiểu mục 1 mục II Điều 1 Quyết định 642/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra quan điểm lập quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030 như sau:
- Việc lập quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của cả nước, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
- Quy hoạch Thành phố phải gắn với tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị thông minh, trình độ phát triển ngang tầm với các thành phố lớn khu vực Đông Nam Á và Châu Á, tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên cơ cấu kinh tế hiện đại với nguồn nhân lực chất lượng cao và yếu tố đổi mới sáng tạo là trung tâm, có trình độ khoa học công nghệ phát triển và đời sống của người dân ở mức cao.
- Thể hiện được tầm nhìn và quan điểm đổi mới mạnh mẽ trong tư duy phát triển. Đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành; tính công khai, minh bạch trong thu hút và triển khai các dự án đầu tư; phát triển hài hòa các địa phương, vùng lãnh thổ trên địa bàn Thành phố; phù hợp với khả năng cân đối, huy động về nguồn lực triển khai, thống nhất đồng bộ với Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
- Tận dụng tối đa giá trị địa kinh tế - chính trị của Thành phố, các cơ hội liên kết giữa Thành phố với vùng Đông Nam Bộ, với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, cả nước và quốc tế (đặc biệt là các quốc gia trong khu vực); khả năng khai thác hành lang kinh tế Bắc Nam; khả năng khai thác các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết (WTO, CTPPP, APTA, EVFTA...) để phát huy vai trò hạt nhân Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, đầu tàu kinh tế cả nước.
- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao mức sống của người dân; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo nền tảng cho phát triển trên cơ sở tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xác định khoa học và công nghệ là động lực phát triển, là chìa khóa để Thành phố Hồ Chí Minh bắt kịp và vượt một số thành phố lớn khu vực Đông Nam Á.
Như vậy, quan điểm lập quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh là phải bảo đảm phù hợp với các chiến lược về kinh tế, xã hội cấp quốc gia khác. Đến năm 2050, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là thành phố lớn ngang tầm với các thành phố lớn của châu Á. Kết hợp chặt chẽ việc phát triển kinh tế nhanh để đảm bảo sự bền vững với văn hóa, con người, quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội và ổn định chính trị.
Mục tiêu lập Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030 của Thủ tướng Chính phủ?
Căn cứ tiểu mục 2 mục II Điều 1 Quyết định 642/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra những mục tiêu trong việc lập quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
- Sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố một cách khoa học, hợp lý trên cơ sở cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn Thành phố để sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng và lợi thế của Thành phố phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
- Hiện thực hóa mục tiêu, định hướng phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Thành phố theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; xác định mô hình phát triển mới, các khâu đột phá chiến lược; nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn để Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, phát triển nhanh và bền vững, trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á vào năm 2030; trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á vào năm 2045; xử lý những vấn đề trước mắt trong 5 đến 10 năm tới, bao gồm ùn tắc giao thông, ngập úng do thủy triều và mưa, ô nhiễm môi trường ở cách kênh rạch, các khu dân cư có điều kiện sống thấp.
- Cung cấp những căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp của Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển; là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư trên địa bàn Thành phố, đảm bảo tính khách quan, khoa học; tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch Thành phố nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
- Xây dựng được hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL), quy hoạch thống nhất hệ thống thông tin quốc gia về quy hoạch, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển của Thành phố, vùng và quốc gia. Là căn cứ để các doanh nghiệp, cộng đồng và người dân đầu tư, kinh doanh, sinh sống và làm việc có thể kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch của Thành phố.