Loading

12:30 - 11/11/2024

Dự án PPP là gì? Tìm hiểu về mô hình hợp tác công tư

Dự án PPP là gì? Tìm hiểu về mô hình hợp tác công tư. Lĩnh vực nào được đầu tư theo phương thức PPP?

Nội dung chính

    Dự án PPP là gì? 

    Căn cứ tại khoản 9 Điều 3 Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 định nghĩa về dự án PPP là dự án PPP là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc đầu tư để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thông qua việc thực hiện một hoặc các hoạt động sau đây:

    - Xây dựng, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng.

    - Cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có

    - Vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có.

    Dự án PPP là gì? Tìm hiểu về mô hình hợp tác công tư

    Dự án PPP là gì? Tìm hiểu về mô hình hợp tác công tư (Hình từ Internet)

    Dự án PPP được phân loại thế nào?

    Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư 2020 thì dự án PPP được phân loại theo thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư bao gồm:

    - Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội;

    - Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ;

    - Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư 2020

    - Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

    Như vậy, dự án PPP là hình thức hợp tác công - tư nhằm phát triển cơ sở hạ tầng thông qua việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân. Đồng thời, dự án PPP quy định cụ thể về quy mô tối thiểu, lĩnh vực đầu tư và phân loại dự án theo thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

    Quy mô đầu tư dự án PPP được quy định ra sao? 

    Theo Khoản 2 Điều 4 Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư 2020 quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP như sau:

    - Không thấp hơn 200 tỷ đồng đối với dự án thuộc lĩnh vực quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 4 Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư 2020; trường hợp thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư thì không thấp hơn 100 tỷ đồng;

    - Không thấp hơn 100 tỷ đồng đối với dự án thuộc lĩnh vực quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư 2020;

    - Quy định về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu tại điểm a và điểm b Khoản 2 Điều 4  Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư 2020 không áp dụng đối với dự án theo loại hợp đồng O&M. (Hợp đồng O&M là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để kinh doanh, quản lý một phần hoặc toàn bộ công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chấm dứt hợp đồng theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 45 Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư 2020)

    Lĩnh vực nào được đầu tư theo phương thức PPP?

    Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư 2020 được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 84 Luật Tài nguyên nước 2023 thì lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm 05 lĩnh vực sau:

    (1) Giao thông vận tải;

    (2) Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực 2004;

    (3) Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước

    (4) Y tế; giáo dục - đào tạo;

    (5) Hạ tầng công nghệ thông tin.

    Lợi ích và thách thức của mô hình PPP

    Mô hình PPP mang lại nhiều lợi ích lớn cho cả nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, nhưng cũng không thiếu những thách thức.

    Lợi ích:

    (1) Giảm áp lực ngân sách công: Một trong những lợi ích lớn nhất của mô hình PPP là giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đặc biệt là trong các dự án có chi phí đầu tư lớn như xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, bệnh viện, trường học.

    (2) Tăng cường chất lượng dịch vụ: Doanh nghiệp tư nhân thường có kinh nghiệm và chuyên môn cao trong việc quản lý, vận hành các dự án. Điều này giúp nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân.

    (3) Đảm bảo hiệu quả tài chính: Nhờ vào việc chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, các dự án PPP có thể đạt được hiệu quả tài chính cao hơn so với việc chỉ dựa vào nguồn vốn công.

    Thách thức:

    (1) Rủi ro tài chính: Doanh nghiệp tư nhân sẽ phải đối mặt với rủi ro tài chính lớn trong suốt quá trình đầu tư và vận hành. Nếu không thu hồi đủ vốn từ việc thu phí, họ có thể gặp khó khăn trong việc hoàn trả nợ hoặc duy trì dự án.

    (2) Xung đột lợi ích: Vì nhà nước và doanh nghiệp tư nhân có các mục tiêu khác nhau (nhà nước quan tâm đến lợi ích công cộng, trong khi doanh nghiệp muốn tối đa hóa lợi nhuận), có thể xảy ra xung đột về việc phân chia lợi ích, chi phí và rủi ro.

    (3) Khó khăn trong quản lý và giám sát: Việc quản lý và giám sát các dự án PPP đòi hỏi có một cơ chế pháp lý rõ ràng và hiệu quả. Nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ, dự án có thể bị lạm dụng hoặc thiếu minh bạch, gây ảnh hưởng đến lợi ích của người dân.

    saved-content
    unsaved-content
    307