Loading

17:13 - 10/12/2024

Forex là gì? Kinh doanh forex trái phép trong trường hợp nào có thể bị đi tù?

Kinh doanh forex trái phép bị phạt bao nhiêu tiền? Kinh doanh forex trái phép trong trường hợp nào có thể bị đi tù? Người tham gia trên sàn forex có thể lấy lại được tiền không?

Nội dung chính

    Forex là gì?

    Forex là viết tắt của cụm từ Foreign Exchange, nghĩa là trao đổi tiền tệ quốc tế. Trong đó, thị trường forex hay thị trường ngoại hối là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi tiền tệ của các quốc gia thông qua hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Hoạt động kinh doanh trao đổi tiền tệ trong thị trường Forex được thực hiện bằng cách mua, bán, trao đổi loại tiền tệ này với loại tiền tệ khác với. Lợi nhuận của giao dịch sẽ tính theo phần chênh lệch giữa việc mua vào, bán ra.

    Kinh doanh forex trái phép bị phạt bao nhiêu tiền?

    Căn cứ theo khoản 8 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP một số cụm từ bị thay thế bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 23/2023/NĐ-CP quy định về việc xử lý vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối như sau:

    Vi phạm quy định về hoạt động ngoại
    ...
    7. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
    a) Không chấp hành các quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài; cho vay, thu hồi nợ nước ngoài; bảo lãnh cho người không cư trú và các giao dịch vốn khác, trừ trường hợp quy định tại các điểm g khoản 3, điểm d, g khoản 4 và điểm b khoản 5 Điều này;
    b) Thực hiện giao dịch ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng với nhau, giữa tổ chức tín dụng với khách hàng không đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 8 Điều này;
    c) Không tuân thủ trạng thái ngoại tệ theo quy định của pháp luật.
    8. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
    a) Kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh tỷ giá, ngoại hối không đúng quy định của pháp luật;
    b) Xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt không đúng quy định của pháp luật;
    c) Hoạt động ngoại hối khi không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị tước hoặc không đúng nội dung đã quy định trong giấy phép, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 4, các điểm a, d khoản 5 Điều này.
    ...

    Như vậy, theo quy định trên thì việc kinh doanh forex trái phép sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đến 250.000.000 đồng tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

    Lưu ý: Mức phạt đối với hành vi trên là của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm mức phạt tiền sẽ gấp hai lần cá nhân (theo điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP).

    Người tham gia trên sàn forex có thể lấy lại được tiền không?

    Theo khoản 2 Điều 47 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:

    Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm
    ...
    2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp .
    ...

    Như vậy, người tạo ra sàn forex bị Tòa án đưa ra xét xử và đã có quyết định của tòa án, thì những người bị thiệt hại trong vụ việc có thể lấy lại được số tiền mà mình bị thiệt hại liên quan đến vụ án trong trường hợp số tiền thu được từ hành vi phạm tội vẫn còn.

    Kinh doanh forex trái phép trong trường hợp nào có thể bị đi tù?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản như sau

    (1) Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 và Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    - Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

    - Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

    - Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;

    - Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;

    - Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.

    (2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

    - Có tổ chức;

    - Phạm tội 02 lần trở lên;

    - Có tính chất chuyên nghiệp;

    - Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ;

    - Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

    - Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

    - Tái phạm nguy hiểm.

    (3) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

    - Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

    - Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

    - Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ.

    (4) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

    - Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

    - Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

    - Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.

    Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    saved-content
    unsaved-content
    76