Loading

14:09 - 18/12/2024

Hành vi cung cấp tài liệu sai sự thật về tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn bị xử phạt thế nào?

Cho tôi hỏi người có hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn bị xử phạt như thế nào theo quy định?

Nội dung chính

    Hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn có bị pháp luật nghiêm cấm?

    Các hành vi bị nghiêm cấm về hộ tịch được quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Hộ tịch 2014 như sau:

    Các hành vi bị nghiêm cấm
    1. Nghiêm cấm cá nhân thực hiện các hành vi sau đây:
    a) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; làm hoặc sử dụng giấy tờ giả, giấy tờ của người khác để đăng ký hộ tịch;
    b) Đe dọa, cưỡng ép, cản trở việc thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch;
    c) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đăng ký hộ tịch;
    d) Cam đoan, làm chứng sai sự thật để đăng ký hộ tịch;
    đ) Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ hộ tịch hoặc thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch;
    e) Đưa hối lộ, mua chuộc, hứa hẹn lợi ích vật chất, tinh thần để được đăng ký hộ tịch;
    g) Lợi dụng việc đăng ký hộ tịch hoặc trốn tránh nghĩa vụ đăng ký hộ tịch nhằm động cơ vụ lợi, hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước hoặc trục lợi dưới bất kỳ hình thức nào;
    h) Người có thẩm quyền quyết định đăng ký hộ tịch thực hiện việc đăng ký hộ tịch cho bản thân hoặc người thân thích theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình;
    i) Truy cập trái phép, trộm cắp, phá hoại thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch.

    Như vậy, theo quy định, nghiêm cấm cá nhân thực hiện hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; làm hoặc sử dụng giấy tờ giả, giấy tờ của người khác để đăng ký hộ tịch

    Hành vi cung cấp tài liệu sai sự thật về tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn bị xử phạt thế nào?

    Hành vi cung cấp tài liệu sai sự thật về tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn bị xử phạt thế nào? (Hình từ Internet)

    Hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu?

    Căn cứ Điều 38 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, hành vi vi phạm quy định về đăng ký kết hôn được quy định như sau:

    Hành vi vi phạm quy định về đăng ký kết hôn
    1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký kết hôn.
    2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
    a) Cho người khác sử dụng giấy tờ của mình để làm thủ tục đăng ký kết hôn hoặc sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký kết hôn;
    b) Cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cam đoan, làm chứng sai sự thật về tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn.
    3. Hình thức xử phạt bổ sung:
    Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
    4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
    Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy chứng nhận kết hôn đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.

    Như vậy, hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy chứng nhận kết hôn đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này

    Để đăng ký kết hôn cần phải nộp những giấy tờ nào? Cơ quan nào có thẩm quyền thực hiện đăng ký kết hôn?

    Theo Điều 18 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thủ tục đăng ký kết hôn như sau:

    Thủ tục đăng ký kết hôn
    1. Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.
    2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp - hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
    Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc.

    Như vậy, theo quy định, hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.

    Đồng thời, căn cứ Điều 17 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn và nội dung Giấy chứng nhận kết hôn như sau:

    Thẩm quyền đăng ký kết hôn và nội dung Giấy chứng nhận kết hôn
    1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.
    2. Giấy chứng nhận kết hôn phải có các thông tin sau đây:
    a) Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; thông tin về giấy tờ chứng minh nhân thân của hai bên nam, nữ;
    b) Ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn;
    c) Chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch.

    Như vậy, theo quy định, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện việc đăng ký kết hôn.

    saved-content
    unsaved-content
    28