Loading

09:15 - 11/12/2024

Hộ kinh doanh muốn mua bán thức ăn chăn nuôi cần đáp ứng điều kiện nào?

Thức ăn chăn nuôi gồm những loại nào? Hộ kinh doanh muốn mua bán thức ăn chăn nuôi cần đáp ứng điều kiện nào?

Nội dung chính

    Thức ăn chăn nuôi gồm những loại nào?

    Căn cứ Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 quy định thức ăn chăn nuôi là sản phẩm, mà vật nuôi ăn, uống ở dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến bao gồm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung và thức ăn truyền thống. Cụ thể như sau:

    - Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh là hỗn hợp của các nguyên liệu thức ăn được phối chế, có đủ chất dinh dưỡng để duy trì hoạt động sống và khả năng sản xuất của vật nuôi theo từng giai đoạn sinh trưởng hoặc chu kỳ sản xuất mà không cần thêm thức ăn khác ngoài nước uống.

    - Thức ăn đậm đặc là hỗn hợp của các nguyên liệu thức ăn có hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn nhu cầu của vật nuôi và dùng để phối chế với nguyên liệu khác tạo thành thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh.

    - Thức ăn bổ sung là nguyên liệu đơn hoặc hỗn hợp của các nguyên liệu thức ăn cho thêm vào khẩu phần ăn để cân đối các chất dinh dưỡng cần thiết cho vật nuôi; duy trì hoặc cải thiện đặc tính của thức ăn chăn nuôi; cải thiện sức khỏe vật nuôi, đặc tính của sản phẩm chăn nuôi.

    - Thức ăn truyền thống là sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến được sử dụng phổ biến theo tập quán trong chăn nuôi bao gồm thóc, gạo, cám, ngô, khoai, sắn, bã rượu, bã bia, bã sắn, bã dứa, rỉ mật đường, rơm, cỏ, tôm, cua, cá và loại sản phẩm tương tự khác

    Hộ kinh doanh muốn mua bán thức ăn chăn nuôi cần đáp ứng điều kiện nào?

    Hộ kinh doanh muốn mua bán thức ăn chăn nuôi cần đáp ứng điều kiện nào? (Hình từ Internet)

    Hộ kinh doanh muốn mua bán thức ăn chăn nuôi cần đáp ứng điều kiện nào?

    Căn cứ Điều 40 Luật Chăn nuôi 2018 quy định Hộ kinh doanh muốn mua bán thức ăn chăn nuôi cần đáp ứng điều kiện sau:

    - Có trang thiết bị, dụng cụ để bảo quản thức ăn chăn nuôi theo hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất, cung cấp.

    - Nơi bày bán, kho chứa thức ăn chăn nuôi phải tách biệt hoặc không bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại khác.

    - Có biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại.

    >> Xem thêm: Các hành vi nào vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi?

    Hộ kinh doanh mua bán thức ăn chăn nuôi có quyền và nghĩa vụ như thế nào?

    Căn cứ Điều 49 Luật Chăn nuôi 2018 quy định Hộ kinh doanh mua bán thức ăn chăn nuôi có quyền và nghĩa vụ như sau:

    - Cơ sở mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi có quyền sau đây:

    + Được hưởng chính sách của Nhà nước có liên quan đến hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi;

    + Được mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

    + Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp luật.

    - Cơ sở mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi có nghĩa vụ sau đây:

    + Bảo đảm các điều kiện cơ sở mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi trong quá trình hoạt động;

    + Tuân thủ quy định của pháp luật trong việc bảo đảm chất lượng, thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của thức ăn chăn nuôi;

    + Áp dụng các biện pháp bảo quản chất lượng sản phẩm theo khuyến cáo của tổ chức, cá nhân sản xuất nhằm duy trì chất lượng thức ăn chăn nuôi;

    + Niêm yết giá và chấp hành việc kiểm tra về giá thức ăn chăn nuôi;

    + Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về điều kiện mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu và chất lượng thức ăn chăn nuôi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

    + Không mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm có chất cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi;

    + Chỉ được mua bán, nhập khẩu các loại thức ăn chăn nuôi đã công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

    + Ghi và lưu các thông tin của thức ăn chăn nuôi trong quá trình mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu để bảo đảm truy xuất nguồn gốc;

    + Xây dựng quy trình đánh giá và lựa chọn tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc cung cấp thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra chất lượng lô hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu để bảo đảm phù hợp với hợp đồng mua bán, tiêu chuẩn công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật.

    Hồ sơ đăng ký kinh doanh cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi của hộ gia đình gồm các tài liệu nào?

    Căn cứ khoản 2 Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định hồ sơ đăng ký kinh doanh cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi của hộ gia đình gồm các tài liệu sau:

    - Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;

    - Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

    - Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

    - Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

    Lưu ý: Đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh. Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh sẽ có trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan nhận được hồ sơ hợp lệ.

    saved-content
    unsaved-content
    95