Không được phát hành trò chơi điện tử đánh bài giải trí tại Việt Nam từ 25 12 2024?
Nội dung chính
Từ 25/12/2024 không được phát hành trò chơi điện tử đánh bài giải trí tại Việt Nam?
Tại điểm b khoản 1 Điều 43 Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã quy định khi cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 phải đảm bảo:
Cấp Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng
1. Doanh nghiệp được cấp Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng khi có đủ các điều kiện sau:
…
b) Nội dung, kịch bản trò chơi điện tử không vi phạm các quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng và quy định về sở hữu trí tuệ; không mô phỏng các trò chơi có thưởng trong các cơ sở kinh doanh casino, các trò chơi sử dụng hình ảnh lá bài; không có các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ miêu tả cụ thể các hành động sau: Khủng bố, giết người, tra tấn người, ngược đãi, xâm hại, buôn bán phụ nữ và trẻ em; kích động tự tử, bạo lực; khiêu dâm, dung tục trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xuyên tạc, phá hoại truyền thống lịch sử; vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ; sử dụng ma túy, uống rượu, hút thuốc lá; đánh bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
…
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 52 Nghị định 147/2024/NĐ-CP khi cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3 và G4 phải đảm bảo:
Cấp Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng
1. Trước khi chính thức cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng.
Nội dung, kịch bản trò chơi điện tử trên mạng không vi phạm các quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng và quy định về sở hữu trí tuệ; không mô phỏng các trò chơi có thưởng trong các cơ sở kinh doanh casino, các trò chơi sử dụng hình ảnh lá bài; không có các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ miêu tả cụ thể các hành động sau: Khủng bố, giết người, tra tấn người, ngược đãi, xâm hại, buôn bán phụ nữ và trẻ em; kích động tự tử, bạo lực; khiêu dâm, dung tục trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xuyên tạc, phá hoại truyền thống lịch sử; vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ; sử dụng ma túy, uống rượu, hút thuốc lá; đánh bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
…
Theo đó, các trò chơi điện tử G1 của doanh nghiệp phát hành phải đáp ứng điều kiện không mô phỏng các trò chơi có thưởng trong các cơ sở kinh doanh casino, các trò chơi sử dụng hình ảnh lá bài.
Trò chơi điện tử đánh bài là trò chơi có mô phỏng các trò chơi có thưởng trong các cơ sở kinh doanh casino, các trò chơi sử dụng hình ảnh lá bài.
Kể từ ngày 25/12/2024, khi Nghị định 147/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, các trò chơi đánh bài giải trí tại Việt Nam sẽ được phép hoạt động với điều kiện không vi phạm quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 và các quy định về sở hữu trí tuệ.
Đồng thời, các trò chơi này không được mô phỏng các trò chơi có thưởng tại các cơ sở kinh doanh casino hoặc sử dụng hình ảnh lá bài trong thiết kế và vận hành.
Không được phát hành trò chơi điện tử đánh bài giải trí tại Việt Nam từ 25 12 2024? (Hình từ Internet)
Người sử dụng Internet có những trách nhiệm nào?
Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định trách nhiệm của người sử dụng Internet bao gồm:
(1) Tuân thủ thời gian hoạt động của điểm truy nhập Internet công cộng.
(2) Tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin mạng và các quy định khác có liên quan tại Nghị định này.
Phân loại trò chơi điện tử trên mạng theo độ tuổi người chơi như thế nào?
Căn cứ theo Điều 38 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định trò chơi điện tử trên mạng được phân loại theo các độ tuổi như sau:
(1) Trò chơi điện tử trên mạng dành cho người chơi từ 18 tuổi trở lên (ký hiệu là 18+)
Trò chơi không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, lời thoại khiêu dâm; đối với trò chơi có hoạt động đối kháng, chiến đấu thì có sử dụng hình ảnh vũ khí cận cảnh, nhân vật mô phỏng người thật;
(2) Trò chơi điện tử trên mạng dành cho người chơi từ 16 tuổi trở lên (ký hiệu là 16+)
Trò chơi không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, lời thoại khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người; đối với trò chơi có hoạt động đối kháng, thì không có hình ảnh, hoạt động thể hiện tính chất bạo lực;
(3) Trò chơi điện tử trên mạng dành cho người chơi từ 12 tuổi trở lên (ký hiệu là 12+)
Trò chơi không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, lời thoại, nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người;
Đối với trò chơi có hoạt động đối kháng thì chỉ sử dụng các nhân vật hoạt họa mô phỏng hoặc không mô phỏng người thật hoặc chỉ sử dụng các trang thiết bị, phương tiện chiến đấu mà không có sự hiện diện của nhân vật mô phỏng người thật trong quá trình chơi, có sử dụng vũ khí dưới hình ảnh hoạt họa và hình ảnh vũ khí không nhìn được cận cảnh; tiết chế âm thanh va chạm của vũ khí khi chiến đấu;
(4) Trò chơi điện tử trên mạng dành cho người chơi mọi lứa tuổi (ký hiệu 00+)
Trò chơi mô phỏng dạng hoạt hình; không có hoạt động đối kháng bằng vũ khí; không có hình ảnh, âm thanh ma quái, kinh dị, bạo lực; không có hoạt động, âm thanh, ngôn ngữ, lời thoại, hình ảnh nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người.