Không thực hiện công bố thông tin định kỳ của doanh nghiệp thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Nội dung chính
Việc công bố thông tin định kỳ của doanh nghiệp được thực hiện như thế nào?
Căn cứ Điều 25 Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định về công bố thông tin định kỳ của doanh nghiệp được thực hiện như sau:
- Doanh nghiệp thực hiện báo cáo và đăng tải báo cáo định kỳ trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, Cổng thông tin doanh nghiệp đúng thời hạn. Đồng thời gửi báo cáo tới cơ quan đại diện chủ sở hữu. Đối với nội dung quan trọng, liên quan hoặc ảnh hưởng đến bí mật và an ninh quốc gia, bí mật kinh doanh, doanh nghiệp báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định nội dung cần hạn chế công bố thông tin.
- Cơ quan đại diện chủ sở hữu đăng tải trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan các thông tin phải công bố định kỳ của doanh nghiệp trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của doanh nghiệp.
- Cơ quan đại diện chủ sở hữu rà soát, đánh giá, quyết định việc hạn chế công bố thông tin các nội dung quan trọng, liên quan hoặc ảnh hưởng đến bí mật và an ninh quốc gia, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, giám sát.
Xem thêm: Công ty chứng khoán có cần phải công bố thông tin định kỳ hay không?
Không thực hiện công bố thông tin định kỳ của doanh nghiệp thì bị phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Không thực hiện công bố thông tin định kỳ của doanh nghiệp thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ Điều 61 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm về công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước như sau:
Vi phạm về công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước
1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng thời hạn các quy định về công bố thông tin theo quy định;
b) Có nhiều hơn 01 người đại diện theo pháp luật nhưng không thông báo với cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước hoặc không công khai trên cổng thông tin hoặc trang thông tin điện tử của doanh nghiệp;
c) Thực hiện công bố thông tin qua người được ủy quyền công bố thông tin nhưng không gửi thông báo ủy quyền tới cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
d) Tạm hoãn công bố thông tin nhưng không báo cáo lý do của việc tạm hoãn hoặc không gửi thông báo đề nghị tạm hoãn công bố thông tin cho cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước.
2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không lập trang thông tin điện tử của doanh nghiệp theo quy định;
b) Không xây dựng Quy chế công bố thông tin của doanh nghiệp theo quy định;
c) Không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan đại diện chủ sở hữu và Cổng thông tin doanh nghiệp các thông tin công bố định kỳ và bất thường theo quy định.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thực hiện công bố thông tin trong trường hợp không công bố hoặc bổ sung, sửa đổi nội dung thông tin đã công bố đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
...
Như vậy, không thực hiện công bố thông tin định kỳ của doanh nghiệp thì doanh nghiệp có thể bị phạt từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Đồng thời doanh nghiệp phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định cụ thể doanh nghiệp buộc thực hiện công bố thông tin trong trường hợp không công bố hoặc bổ sung, sửa đổi nội dung thông tin đã công bố.
Lưu ý: Căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền trên là mức phạt đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức.
Chủ tịch huyện có quyền xử phạt doanh nghiệp không thực hiện công bố thông tin định kỳ của doanh nghiệp không?
Căn cứ Điều 74 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt của Ủy ban nhân dân các cấp như sau:
Thẩm quyền xử phạt của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; đến 150.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu, đầu tư; đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch;
c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định này.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; đến 300.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu, đầu tư; đến 500.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch;
c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định này.
Theo quy định trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt khi doanh nghiệp không thực hiện công bố thông tin định kỳ với mức phạt tiềnđến 50.000.000 đồng.