Loading

15:08 - 14/11/2024

Làm gì khi bị hàng xóm lấn chiếm đất?

Trước đây, gia đình tôi và nhà hàng xóm có chung nhau mua một mảnh đất vào năm 1997. Sau đó chia làm hai lô cho hai bên để xây dựng đã được địa chính đo đạc cấp sổ tạm (sổ trắng).

Nội dung chính

    Gần đây, theo quy hoạch mở đường của thành phố gia đình tôi đã đồng ý bàn giao mặt bằng và đổi sổ tạm cắt phần đất mở đường để làm sổ hồng. Thì phát hiện ra bị nhà hàng xóm lấn chiếm và xây dựng trên phần đất có chiều ngang hơn 1m và sâu 11m thuộc thửa đất của gia đình tôi. Trong quá trình làm sổ thì gia đình tôi gặp nhiều khó khăn vì vấn đề trên. Nhân viên cấp sổ đỏ tư vấn là viết đơn bỏ phần đất trên làm công cộng, gia đình tôi cũng đã làm nhưng sau đó ubnd quận hội ý với nhau thì lại nói nhà bên cạnh đã được cấp sổ rồi nếu bỏ phần đất đó thì trên bản đồ lại bị thừa ra không thuộc về ai. Do đó ubnd quận lại làm sổ đỏ cho gia đình tôi có phần đất tranh chấp nói trên theo như đúng trong sổ tạm. Giờ đây, khi có sổ thì gia đình tôi có quyền đòi lại phần đất bị lấn chiếm đó không? Vì trong sổ tạm trước đây và sổ hồng bây giờ đều thuộc quyền sử dụng của gia đình tôi. Suốt 20 năm qua gia đình tôi luôn đóng thuế đầy đủ cho phần đất nói trên và vừa rồi làm sổ cũng phải đóng thuế trước bạ và tiền sử dụng đất mà lại bị người khác lấn chiếm xây dựng. Vậy cho hỏi nhà tôi có thể đòi lại phần đất đó không? Nếu được thì thủ tục như thế nào?

    Làm gì khi bị hàng xóm lấn chiếm đất?

    Theo thông tin Anh/Chị cung cấp, gia đình Anh/Chị đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu phần đất của nhà Anh/Chị bị nhà hàng xóm lấn chiếm thuộc quyền sở hữu của gia đình Anh/Chị, có thể hiện trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đây là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013:"Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai".

    Đối với người thực hiện hành vi lấn, chiếm đất của người khác thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP như sau:

    1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

    2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.

    3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.

    4. Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác.

    5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

    a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;

    b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.

    Theo quy định trên, nếu nhà hàng xóm có hành vi lấn chiếm đất của gia đình Anh/Chị thì sẽ bị xử phạt hành chính, đồng thời phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất để trả cho gia đình Anh/Chị.

    Điều 202 Luật đất đai 2013 quy định:

    1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

    2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

    3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

    4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

    5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

    Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

    Như vậy, khi phát hiện ra sai phạm của nhà hàng xóm, gia đình Anh/Chị hoàn toàn có quyền yêu cầu UBND xã/phường tiến hành thủ tục hòa giải. Trường hợp hòa giải tại Uỷ ban nhân dân xã nơi có đất không thành, Anh/Chị có thể làm đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận/huyện nơi có đất tranh chấp yêu cầu tòa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình Anh/Chị theo quy định tại Điều 203 Luật đất đai 2013:

    Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

    1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

    2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

    a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

    b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

    3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

    a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

    b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

    4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.

    saved-content
    unsaved-content
    409