Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Giao thông vận tải uống rượu bia trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa?
Nội dung chính
Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Giao thông vận tải uống rượu bia trong và trước giờ làm việc?
Ngày 8/6/2022, Bộ Giao thông vận tải ban hành Công văn 5693/BGTVT-ATGT năm 2022 hướng dẫn về việc chấp hành quy định về phòng chống tác hại của rượu, bia như sau:
- Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Giao thông vận tải
+ Thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: nghiêm cấm uống rượu, bia ngay trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực.
+ Gương mẫu thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không lái xe: ngày nghỉ, ngoài giờ làm việc trước khi điều khiển phương tiện không được uống rượu, bia; “Đã uống rượu, bia - không lái xe”; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.
- Các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai
+ Tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tập huấn năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý về vận tải của Sở, cho lực lượng Thanh tra giao thông, các cán bộ quản lý bến xe, doanh nghiệp vận tải, Hiệp hội Vận tải ôtô trên địa bàn về các quy định của pháp luật trong hoạt động vận tải đường bộ và các biện pháp phòng, chống vi phạm nồng độ cồn.
+ Tăng cường các biện pháp kiểm soát nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải khi xe xuất bến và xe vào bến; chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông của Sở phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các bến xe và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các lái xe vi phạm.
- Báo Giao thông, Tạp Chí giao thông vận tải
+ Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, các quy định về trật tự an toàn giao thông liên quan đến rượu, bia và nguyên nhân, hậu quả của tai nạn giao thông.
+ Cảnh báo tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe, người tham gia giao thông, nguyên nhân, hậu quả của tai nạn giao thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân tạo sự đồng thuận cao trong xã hội trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn.
- Các trường đại học, cao đẳng ngành Giao thông vận tải
+ Tuyên truyền, giáo dục, thông tin cho học sinh, sinh viên, học viên về tác hại của việc sử dụng rượu, bia, nguyên nhân, hậu quả của tai nạn giao thông; nghiên cứu lồng ghép nội dung giáo dục về tác hại của lạm dụng rượu, bia vào các buổi sinh hoạt lớp và toàn trường.
- Công đoàn Giao thông vận tải
+ Tuyên truyền vận động cán bộ, công chức, viên chức người, lao động trong ngành Giao thông vận tải thực hiện các quy định của pháp luật về rượu, bia và quy định của công văn này.
+ Nghiên cứu đưa nội dung quy định về cấm uống rượu, bia ngay trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực vào nội quy, quy chế tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua khen thưởng của công đoàn viên trong ngành Giao thông vận tải.
Như vậy, Bộ Giao thông vận tải đã có hướng dẫn mới về việc chấp hành quy định về phòng chống tác hại của rượu bia theo nội dung như trên.
Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Giao thông vận tải uống rượu bia trong và trước giờ làm việc, giờ nghỉ trưa?
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan chấp hành quy định về phòng chống tác hại của rượu bia?
Ngày 3/6/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 488/CĐ-TTg năm 2022 với nội dung đề nghị các Cơ quan có liên quan:
- Chỉ đạo thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sỹ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm các quy định về cấm uống rượu, bia; gương mẫu thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không lái xe; có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân, tập thể vi phạm.
- Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn hoặc có chất ma túy.
- Bộ Y tế chỉ đạo cơ quan chức năng của Bộ, Sở Y tế và cơ quan chức năng của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường xử lý các hành vi vi phạm quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia theo quy định của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP .
- Cơ quan thông tấn, báo chí ở trung ương và địa phương tăng cường tuyên truyền về Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và nguyên nhân, hậu quả của TNGT nói chung, TNGT do vi phạm về nồng độ cồn nói riêng để nâng cao nhận thức của người dân, nghiêm túc thực hiện “Đã uống rượu, bia - không lái xe”. Đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội, hạ tầng số và vào các khung giờ vàng trên sóng truyền hình.
- Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tiếp tục theo dõi, kiểm tra các cơ quan thành viên, Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP , Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ; định kỳ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện./.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao những nhiệm vụ theo nội dung nêu trên đến các Cơ quan có liên quan để thực hiện việc chấp hành quy định phòng chống tác hại của rượu bia.
Những hành vi nào sẽ bị nghiêm cấm trong phòng chống tác hại của rượu bia?
Căn cứ vào Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định như sau:
“Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia
1. Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
2. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
3. Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
4. Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
5. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
6. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
7. Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.
8. Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.
9. Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.
10. Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.
11. Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.
12. Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia.
13. Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định.”
Như vậy, khi thực hiện công tác phòng chống tác hại của rượu bia thì cá nhân, tổ chức không được thực hiện những hành vi nêu trên.