Loading

11:25 - 11/11/2024

Người có hành vi bạo lực học đường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội gì?

Bạo lực học đường là gì? Người có hành vi bạo lực học đường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội gì? Có các biện pháp nào nhằm phòng chống bạo lực học đường?

Nội dung chính

    Bạo lực học đường là gì?

    Căn cứ khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định như sau:

    Giải thích từ ngữ

    Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

    ...

    5. Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.

    Như vậy, có thể thấy bạo lực học đường là hành vi xâm phạm đển thể chất và tinh thần của học sinh.

    Một số hành vi vi xâm phạm về thể chất có thể kể đến như: hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe;...

    Một số hành vi xâm phạm đến tinh thần có thể kể đến như: lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học.

    Người có hành vi bạo lực học đường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội gì? (Hình từ Internet)

    Người có hành vi bạo lực học đường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội gì?

    Căn cứ Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác:

    Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

    1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    ...

    Căn cứ Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội làm nhục người khác:

    Tội làm nhục người khác

    1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

    ...

    Căn cứ Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội vu khống:

    Tội vu khống

    1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

    a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

    b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

    ...

    Theo quy định trên, bạo lực học đường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội sau đây, tùy thuộc vào hành vi, hậu quả thực tế xảy ra:

    [1] Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

    Người nào có hành vi bạo lực học đường nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% trong các trường hợp sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác:

    - Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

    - Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

    - Đối với người dưới 16 tuổi;

    - Có tổ chức;

    - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

    - Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

    - Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

    - Có tính chất côn đồ;

    - Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

    Người phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.

    [2] Tội làm nhục người khác

    Người nào có hành vi bạo lực học đường bằng hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội làm nhục người khác.

    người phạm tội làm nhục người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm.

    [3] Tội vu khống

    Người nào có hành vi bạo lực học đường trong đó có hành vi sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội vu khống:

    - Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

    - Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

    Người phạm tội vu khống thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm.

    Tuy nhiên, để truy cứu trách nhiệm hình sự về 03 tội trên, cần phải căn cứ vào độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

    - Đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ trường hợp Bộ luật Hình sự 2015 có quy định khác.

    - Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017)

    Có các biện pháp nào nhằm phòng chống bạo lực học đường?

    Căn cứ Điều 6 Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng chống bạo lực học đường như sau:

    (1) Biện pháp phòng chống bạo lực học đường

    - Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường;

    - Ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân;

    - Giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại người học; phòng, chống bạo lực học đường; bạo lực trẻ em trên môi trường mạng cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục và gia đình người học; giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho người học;

    - Công khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường và các kênh tiếp nhận thông tin, tố giác về bạo lực học đường;

    - Tổ chức kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến bạo lực học đường;

    - Thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học.

    (2) Biện pháp hỗ trợ người học có nguy cơ bị bạo lực học đường

    - Phát hiện kịp thời người học có hành vi gây gổ, có nguy cơ gây bạo lực học đường, người học có nguy cơ bị bạo lực học đường;

    - Đánh giá mức độ nguy cơ, hình thức bạo lực có thể xảy ra để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ cụ thể;

    - Thực hiện tham vấn, tư vấn cho người học có nguy cơ bị bạo lực và gây ra bạo lực nhằm ngăn chặn, loại bỏ nguy cơ xảy ra bạo lực.

    (3) Biện pháp can thiệp khi xảy ra bạo lực học đường

    - Đánh giá sơ bộ về mức độ tổn hại của người học, đưa ra nhận định về tình trạng hiện thời của người học;

    - Thực hiện ngay các biện pháp trợ giúp, chăm sóc y tế, tư vấn đối với người học bị bạo lực;

    - Theo dõi, đánh giá sự an toàn của người bị bạo lực;

    - Thông báo kịp thời với gia đình người học để phối hợp xử lý;

    - Trường hợp vụ việc vượt quá khả năng giải quyết của cơ sở giáo dục thì thông báo kịp thời với cơ quan công an, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các cơ quan.

    Trân trọng!

    saved-content
    unsaved-content
    376