Loading

14:56 - 18/12/2024

Người lao động mượn hồ sơ của người khác để đi làm có vi phạm hay không? Hợp đồng lao động trong trường hợp này xử lý như thế nào?

Cho tôi hỏi ở quê tôi có các trường hợp trẻ em chưa đủ tuổi lao động thì mượn hồ sơ của người khác đủ tuổi để đi làm như ở xí nghiệp may, những trường hợp này có quy định pháp luật hay không?

Nội dung chính


    Người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động thì vi phạm quy định nào?

    Theo Công văn 1767/LĐTBXH-BHXH năm 2022 quy định trường hợp người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm nguyên tắc “trung thực” theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật Lao động 2019 và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật Lao động 2019 được trích dẫn dưới đây:

    Tại Điều 15 của Bộ luật Lao động 2019 quy định về nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động như sau:

    "Điều 15. Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động
    1. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.
    2. Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội."

    Tại Điều 16 của Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động như sau:

    "Điều 16. Nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động
    1. Người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người lao động về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu.
     2. Người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu."

    Người lao động mượn hồ sơ của người khác để đi làm có vi phạm hay không? Hợp đồng lao động trong trường hợp này xử lý như thế nào?

    Người lao động mượn hồ sơ của người khác để đi làm có vi phạm hay không? Hợp đồng lao động trong trường hợp này xử lý như thế nào?

    Hợp đồng lao động mà người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết có bị hủy bỏ hay không?

    Theo Điều 49 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hợp đồng vô hiệu như sau:

    "Điều 49. Hợp đồng lao động vô hiệu
    1. Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong trường hợp sau đây:
    a) Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật;
    b) Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật này;
    c) Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.
    2. Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng."

    Như vậy, căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 49 của Bộ luật Lao động 2019 thì Hợp đồng lao động mà người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết là trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ. 

    Xử lý hợp đồng vô hiệu do người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết như thế nào?

    Theo Điều 50 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

    "Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu."

    Tại Điều 10 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về xử lý hợp đồng vô hiệu do người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết như sau:

    "Điều 10. Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động
    1. Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ, người lao động và người sử dụng lao động ký lại hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật.
    2. Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi hợp đồng lao động được ký lại thực hiện như sau:
    a) Nếu quyền, lợi ích của mỗi bên trong hợp đồng lao động không thấp hơn quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động được thực hiện theo nội dung hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu;
    b) Nếu hợp đồng lao động có nội dung về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của mỗi bên vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến phần nội dung khác của hợp đồng lao động thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động thực hiện theo khoản 2 Điều 9 Nghị định này;
    c) Thời gian người lao động làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu được tính là thời gian làm việc của người lao động cho người sử dụng lao động để làm căn cứ thực hiện chế độ theo quy định của pháp luật về lao động.
    3. Trường hợp không ký lại hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì:
    a) Thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động;
    b) Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này;
    c) Giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.
    4. Các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự."

    Như vậy, Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Lao động và Điều 10 của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP. Tại khoản 4 Điều 10 của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định: “Các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự”.

    saved-content
    unsaved-content
    24