Người lập di chúc có thể ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc không? Di chúc đã được công chứng thì có thể hủy bỏ không?
Nội dung chính
Người lập di chúc theo quy định của pháp luật có thể ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 56 Luật công chứng 2014 quy định như sau:
Công chứng di chúc
1. Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.
Theo đó, người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không được ủy quyền cho người khác.
Di chúc đã được công chứng thì có thể hủy bỏ không?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 56 Luật công chứng 2014 quy định như sau:
Công chứng di chúc
...
3. Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó. Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó.
Theo đó, di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn hủy bỏ thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc hủy bỏ di chúc.
Người lập di chúc có thể ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc không? Di chúc đã được công chứng thì có thể hủy bỏ không? (Hình từ Internet)
Thủ tục công chứng di chúc được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 40 Luật Công chứng 2014, Điều 43 Luật Công chứng 2014, Điều 44 Luật Công chứng 2014 và Điều 56 Luật Công chứng 2014 và khoản 3 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC quy định về thủ tục công chứng di chúc như sau:
- Hồ sơ yêu cầu công chứng, bao gồm:
+ Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;
+ Di chúc;
+ Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;
+ Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản được nêu trong di chúc.
- Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc. Nộp hồ sơ trực tiếp tại văn phòng công chứng hoặc yêu cầu công chứng viên đến tại nơi cư trú để thực hiện công chứng di chúc.
- Thời hạn công chứng được xác định kể từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng đến ngày trả kết quả công chứng. hời hạn công chứng không quá 02 ngày làm việc; đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.
- Mức phí đối với việc công chứng di chúc là 50 nghìn/ trường hợp. Bên cạnh đó còn có, mức thu phí nhận lưu giữ di chúc: 100 nghìn đồng/trường hợp; Mức thu phí cấp bản sao văn bản công chứng: 05 nghìn đồng/trang, từ trang thứ ba trở lên thì mỗi trang thu 03 nghìn đồng nhưng tối đa không quá 100 nghìn đồng/bản.
Văn phòng công chứng có nhận lưu trữ di chúc không?
Căn cứ theo Điều 60 Luật Công chứng 2014 quy định về nhận lưu giữ di chúc như sau:
Nhận lưu giữ di chúc
1. Người lập di chúc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ di chúc của mình. Khi nhận lưu giữ di chúc, công chứng viên phải niêm phong bản di chúc trước mặt người lập di chúc, ghi giấy nhận lưu giữ và giao cho người lập di chúc.
2. Đối với di chúc đã được tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ nhưng sau đó tổ chức này chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì trước khi chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể, tổ chức hành nghề công chứng phải thỏa thuận với người lập di chúc về việc chuyển cho tổ chức hành nghề công chứng khác lưu giữ di chúc. Trường hợp không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì di chúc và phí lưu giữ di chúc phải được trả lại cho người lập di chúc.
3. Việc công bố di chúc lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.”
Theo đó, người lập di chúc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ di chúc của mình.
Đối với di chúc đã được tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ nhưng sau đó tổ chức này chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì trước khi chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể, tổ chức hành nghề công chứng phải thỏa thuận với người lập di chúc về việc chuyển cho tổ chức hành nghề công chứng khác lưu giữ di chúc.
Lưu ý: Khi nhận lưu giữ di chúc, công chứng viên phải niêm phong bản di chúc trước mặt người lập di chúc, ghi giấy nhận lưu giữ và giao cho người lập di chúc.