Loading

19:20 - 30/10/2024

Những ai phải đi nghĩa vụ quân sự? Trốn nghĩa vụ quân sự có bị phạt tù không?

Những người nào phải đi nghĩa vụ quân sự? Hành vi nghĩa vụ quân sự sẽ bị phạt như thế nào? Người trốn nghĩa vụ quân sự có bị phạt tù không?

Nội dung chính

    Quy định về những người phải đi nghĩa vụ quân sự

    - Đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự

    Điều 12 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự bao gồm:

    + Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên.

    + Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân từ đủ 18 tuổi trở lên.

    - Độ tuổi gọi nhập ngũ hiện nay

    Theo Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; 

    Công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

    Như vậy, có thể thấy công dân nam từ đủ 18 đến hết 25 tuổi (trường hợp học đại học, cao đẳng thì đến hết 27 tuổi) là những đối tượng trong độ tuổi gọi nhập ngũ.

    Mức phạt khi không đi khám nghĩa vụ quân sự theo lệnh gọi?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự như sau:

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

    - Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

    - Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    + Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;

    + Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

    - Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

    Như vậy, người không đi khám nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng thì có thể bị phạt tiền lên đến 35.000.000 đồng tùy trường hợp mắc phải.

    Những ai phải đi nghĩa vụ quân sự? Trốn nghĩa vụ quân sự có bị phạt tù không?

    Những ai phải đi nghĩa vụ quân sự? Trốn nghĩa vụ quân sự có bị phạt tù không?  (Hình từ Internet)

    Hành vi trốn nhập ngũ sẽ bị phạt như thế nào?

    Căn cứ Điều 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về nhập ngũ nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự như sau:

    - Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định.

    - Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2 Điều 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP.

    Như vậy, người trốn nghĩa vụ quân sự không có lý do chính đáng sẽ bị phạt hành chính đến đến 75.000.000 đồng.

    Người trốn nghĩa vụ quân sự có bị phạt tù không?

    Căn cứ Điều 332 Bộ luật Hình sự 2015 người có hành vi phạm tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự bị xử lý như sau:

    Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự
    1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
    a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;
    b) Phạm tội trong thời chiến;
    c) Lôi kéo người khác phạm tội.

    Như vậy, tùy theo hành vi, hình thức trốn tránh nghĩa vụ quân sự, mức độ vi phạm mà người trốn nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử phạt hành chính theo mức phạt tương ứng. Trong trường hợp hành vi vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự, người phạm tội còn có thể bị phạt tù đối đa lên đến 5 năm tù giam.

    saved-content
    unsaved-content
    186