Loading

15:28 - 23/09/2024

Những đối tượng nào không được đăng ký dự tuyển viên chức? Viên chức có quyền gì về hoạt động nghề nghiệp?

Quy trình thi tuyển viên chức năm 2024? Những đối tượng nào không được đăng ký dự tuyển viên chức? Viên chức có quyền gì về hoạt động nghề nghiệp?

Nội dung chính


    Quy trình thi tuyển viên chức năm 2024?

    Căn cứ Phần 2 Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 168/QĐ-BNV năm 2024 quy định thủ tục thi tuyển viên chức như sau:

    Bước 1: Thông báo tuyển dụng và tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển

    Thời gian thông báo ít nhất 1 lần trên phương tiện thông tin đại chúng.

    Thông tin đại chúng đăng thông báo gồm: báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình,...

    Ngoài ra đăng tải thông tin lên trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử và niêm yết tại cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng.

    Bước 2: Người dự tuyển nộp hồ sơ

    Người đăng ký dự tuyển nộp Phiếu đăng ký dự tuyển theo các hình thức sau:

    - Nộp trực tiếp tại địa điểm tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển;

    - Gửi theo đường bưu chính hoặc qua trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng.

    Bước 3: Kiểm tra Phiếu đăng ký dự tuyển

    Trường hợp Phiếu đăng ký dự tuyển không đáp ứng thì thông báo tới người đăng ký trong thời gian 05 ngày.

    Bước 4: Tổ chức thi tuyển viên chức

    Thi tuyển viên chức được thực hiện theo 02 vòng thi như sau:

    - Vòng 1: Thi kiểm tra kiến thức chung bằng hình thức trắc nghiệm trên máy vi tính.

    - Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành

    Bước 5: Công nhận và thông báo kết quả tuyển dụng viên chức

    Bước 6: Hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng

    Người trúng tuyển hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng, bao gồm:

    - Bản sao văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển, chứng nhận đối tượng ưu tiên (nếu có);

    - Phiếu lý lịch tư pháp số 1 do cơ quan có thẩm quyền cấp.

    Bước 7: Ký kết hợp đồng làm việc và nhận việc

    Quy trình thi tuyển viên chức năm 2024? Những đối tượng nào không được đăng ký dự tuyển viên chức? (Hình từ Internet)

    Những đối tượng nào không được đăng ký dự tuyển viên chức?

    Căn cứ Điều 22 Luật Viên chức 2010 được sửa đổi bởi điểm a khoản 12 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định điều kiện đăng ký dự tuyển:

    Điều kiện đăng ký dự tuyển

    1. Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển viên chức:

    a) Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;

    b) Từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự tuyển có thể thấp hơn theo quy định của pháp luật; đồng thời, phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật;

    c) Có đơn đăng ký dự tuyển;

    d) Có lý lịch rõ ràng;

    đ) Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm;

    e) Đủ sức khoẻ để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ;

    g) Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định nhưng không được trái với quy định của pháp luật.

    2. Những người sau đây không được đăng ký dự tuyển viên chức:

    a) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

    b) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng

    Theo đó, những đối tượng sau không được đăng ký dự tuyển viên chức:

    - Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

    - Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án;

    - Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng

    Viên chức có quyền gì về hoạt động nghề nghiệp?

    Căn cứ Điều 11 Luật Viên chức 2010 quy định quyền của viên chức về hoạt động nghề nghiệp như sau:

    - Được pháp luật bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp.

    - Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.

    - Được bảo đảm trang bị, thiết bị và các điều kiện làm việc.

    - Được cung cấp thông tin liên quan đến công việc hoặc nhiệm vụ được giao.

    - Được quyết định vấn đề mang tính chuyên môn gắn với công việc hoặc nhiệm vụ được giao.

    - Được quyền từ chối thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ trái với quy định của pháp luật.

    - Được hưởng các quyền khác về hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

     

    saved-content
    unsaved-content
    18