Loading

18:37 - 17/11/2024

Sinh viên mang thai khi đang học đại học có được xin nghỉ học tạm thời không?

Sinh viên mang thai khi đang học đại học có được xin nghỉ học tạm thời không? Thời gian bảo lưu kết quả học tập của sinh viên mang thai khi học đại học tối đa bao lâu?

Nội dung chính

    Sinh viên mang thai khi đang học đại học có được xin nghỉ học tạm thời không?

    Sinh viên mang thai trong khi đang học đại học có thể xin nghỉ học tạm thời. Tuy nhiên, quy định về việc này tùy thuộc vào từng trường và quốc gia cụ thể. Ở Việt Nam, hầu hết các trường đại học đều có những chính sách linh hoạt và hỗ trợ cho sinh viên mang thai, giúp họ có thể tạm ngừng việc học mà không gặp phải các vấn đề về thủ tục hành chính.

    Theo điểm c khoản 1 Điều 15 Quy chế đào tạo trình độ đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT quy định về nghỉ học tạm thời, thôi học như sau:

    Nghỉ học tạm thời, thôi học
    1. Sinh viên được xin nghỉ học tạm thời và bảo lưu kết quả đã học trong các trường hợp sau:
    a) Được điều động vào lực lượng vũ trang;
    b) Được cơ quan có thẩm quyền điều động, đại diện quốc gia tham dự các kỳ thi, giải đấu quốc tế;
    c) Bị ốm, thai sản hoặc tai nạn phải điều trị thời gian dài có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế;
    d) Vì lý do cá nhân khác nhưng đã phải học tối thiểu 01 học kỳ ở cơ sở đào tạo và không thuộc các trường hợp bị xem xét buộc thôi học hoặc xem xét kỷ luật.
    2. Thời gian nghỉ học tạm thời vì nhu cầu cá nhân phải được tính vào thời gian học chính thức quy định tại khoản 5 Điều 2 của Quy chế này.
    3. Sinh viên xin thôi học vì lý do cá nhân, trừ trường hợp bị xem xét buộc thôi học hoặc xem xét kỷ luật. Những sinh viên này muốn quay trở lại học phải dự tuyển đầu vào như những thí sinh khác.
    4. Quy chế của cơ sở đào tạo quy định cụ thể về điều kiện, thẩm quyền, thủ tục xét nghỉ học tạm thời, tiếp nhận trở lại học và cho thôi học; việc bảo lưu và công nhận kết quả học tập đã tích lũy đối với sinh viên xin thôi học.

    Như vậy, sinh viên mang thai trong thời gian học đại học có thể xin nhà trường nghỉ tạm thời và bảo lưu kết quả học tập theo quy định.

    Sinh viên mang thai khi đang học đại học có được xin nghỉ học tạm thời không?

    Sinh viên mang thai khi đang học đại học có được xin nghỉ học tạm thời không? (Hình từ internet)

    Thời gian bảo lưu kết quả học tập của sinh viên mang thai khi học đại học tối đa bao lâu?

    Căn cứ khoản 5 Điều 2 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT quy định về chương trình đào tạo và thời gian học tập như sau:

    Chương trình đào tạo và thời gian học tập
    ...
    5. Thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khoá học được quy định trong quy chế của cơ sở đào tạo, nhưng không vượt quá 02 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá đối với mỗi hình thức đào tạo. Đối với sinh viên học liên thông đã được miễn trừ khối lượng tín chỉ tích lũy, thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khóa học được xác định trên cơ sở thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá giảm tương ứng với khối lượng được miễn trừ.

    Theo đó, thời gian bảo lưu kết quả học tập của sinh viên không được quá 02 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá.

    Ví dụ: Thời gian đào tạo chuẩn của khoa Luật trường Đại học N là 04 năm. Thời gian học tối đa không vượt quá 02 lần là 08 năm. Vậy sinh viên có 04 năm tối đa để bảo lưu kết quả học tập, với điều kiện sinh viên có khả năng hoàn thành chương trình học của bản thân trong 04 năm còn lại.

    Sinh viên mang thai tiếp tục đi học có vi phạm pháp luật không?

    Sinh viên mang thai tiếp tục đi học không vi phạm pháp luật ở Việt Nam, và việc mang thai không phải là lý do khiến sinh viên bị cấm tham gia học tập. Theo quy định của pháp luật, sinh viên có quyền bình đẳng trong học tập, không bị phân biệt đối xử vì giới tính hay tình trạng mang thai.

    Theo Điều 22 Luật giáo dục 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục như sau: 

    Các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục
    1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học.
    2. Xuyên tạc nội dung giáo dục.
    3. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.
    4. Hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự.
    5. Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.
    6. Lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật.

    Theo đó, việc sinh viên mang thai tiếp tục đi học không thuộc các hành vi bị nghiêm cấm nên sẽ không vi phạm pháp luật. Pháp luật Việt Nam bảo vệ quyền lợi của sinh viên nữ, bao gồm quyền tiếp tục học tập trong suốt quá trình mang thai, miễn là họ có đủ sức khỏe để tham gia các hoạt động học tập.

    Các trường đại học cũng có trách nhiệm tạo điều kiện cho sinh viên mang thai, đảm bảo rằng họ không bị phân biệt đối xử và có quyền học tập bình đẳng.

    saved-content
    unsaved-content
    253