Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được hiểu như thế nào?
Nội dung chính
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được hiểu như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010 có quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Năng lượng bao gồm nhiên liệu, điện năng, nhiệt năng thu được trực tiếp hoặc thông qua chế biến từ các nguồn tài nguyên năng lượng không tái tạo và tái tạo.
2. Tài nguyên năng lượng không tái tạo gồm than đá, khí than, dầu mỏ, khí thiên nhiên, quặng urani và các tài nguyên năng lượng khác không có khả năng tái tạo.
3. Tài nguyên năng lượng tái tạo gồm sức nước, sức gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học và các tài nguyên năng lượng khác có khả năng tái tạo.
4. Nhiên liệu là các dạng vật chất được sử dụng trực tiếp hoặc qua chế biến để làm chất đốt.
5. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là việc áp dụng các biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm giảm tổn thất, giảm mức tiêu thụ năng lượng của phương tiện, thiết bị mà vẫn bảo đảm nhu cầu, mục tiêu đặt ra đối với quá trình sản xuất và đời sống.
....
Như vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không chỉ là giảm lượng năng lượng tiêu thụ mà còn là tối ưu hóa cách thức sử dụng năng lượng để đạt được các mục tiêu sản xuất và sinh hoạt mà không gây lãng phí.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được hiểu như thế nào? (Hình từ internet)
Các nguyên tắc trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là gì?
Căn cứ Điều 4 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010 quy định về nguyên tắc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như sau:
(1) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể về năng lượng, chính sách an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
(2) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải được thực hiện thường xuyên, thống nhất từ quản lý, khai thác tài nguyên năng lượng đến khâu sử dụng cuối cùng.
(3) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và toàn xã hội
Như vậy, để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần tuân theo các nguyên tắc trên nhằm đảm bảo rằng việc sử dụng năng lượng không chỉ có hiệu quả về mặt kinh tế mà còn bền vững, bảo vệ môi trường và tài nguyên năng lượng trong dài hạn.
Những hành vi nào bị cấm trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả?
Căn cứ Điều 8 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010 có quy định về các hành vi bị cấm trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như sau:
(1) Hủy hoại nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia.
(2) Giả mạo, gian dối để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước trong hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
(3) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vì mục đích vụ lợi.
(4) Cố ý cung cấp thông tin không trung thực về hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị trong hoạt động dán nhãn năng lượng, kiểm định, quảng cáo và các hoạt động khác gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
(5) Sản xuất, nhập khẩu, lưu thông phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải loại bỏ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Trách nhiệm của các cơ sở sản xuất công nghiệp trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010 các cơ sở sản xuất công nghiệp có những trách nhiệm sau đây trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả:
- Xây dựng, thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hằng năm; lồng ghép chương trình quản lý năng lượng với các chương trình quản lý chất lượng, chương trình sản xuất sạch hơn, chương trình bảo vệ môi trường của cơ sở;
- Áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức về sử dụng năng lượng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; lựa chọn áp dụng quy trình và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến, biện pháp công nghệ phù hợp và thiết bị công nghệ có hiệu suất năng lượng cao; sử dụng các dạng năng lượng thay thế có hiệu quả cao hơn trong dây chuyền sản xuất;
- Áp dụng biện pháp kỹ thuật, kiến trúc nhà xưởng nhằm sử dụng tối đa hiệu quả hệ thống chiếu sáng, thông gió, làm mát; sử dụng tối đa ánh sáng, thông gió tự nhiên;
- Thực hiện quy trình vận hành, chế độ duy tu, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị trong dây chuyền sản xuất để chống tổn thất năng lượng;
- Loại bỏ dần phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ
Lưu ý: Cơ sở sản xuất công nghiệp gồm cơ sở sản xuất, chế biến, gia công sản phẩm hàng hoá; cơ sở chế tạo, sửa chữa phương tiện, thiết bị; cơ sở khai thác mỏ; cơ sở sản xuất, cung cấp năng lượng.