Sự khác nhau giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư bằng hình thức thành lập tổ chức kinh tế?
Nội dung chính
Thế nào là nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài?
Theo khoản 18 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định về khái niệm Nhà đầu tư như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
18. Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Như vậy, Nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài là các chủ thể, là các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.
Cụ thể, khoản 19 và khoản 20 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định khái niệm của hai chủ thể này như sau:
Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Thế nào là nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài? (Hình từ Internet)
Tổ chức kinh tế là gì?
Căn cứ vào khoản 21 Điều 3 Luật Đầu tư 2020, ta có khái niệm tổ chức kinh tế như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
21. Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh .
Theo đó, tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định, bao gồm: doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác nhằm thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.
Các hình thức đầu tư tại Việt Nam? Đầu tư dưới hình thức thành lập tổ chức kinh tế là gì?
Theo Điều 21 Luật Đầu tư 2020 quy định về các loại hình thức đầu tư như sau:
Hình thức đầu tư
1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
3. Thực hiện dự án đầu tư.
4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
5. Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Có thể thấy, tại Việt Nam có 05 loại hình thức đầu tư kinh doanh. Trong đó, một trong những hình thức đầu tư phổ biến nhất ở Việt Nam chính là đầu tư dưới hình thức thành lập tổ chức kinh tế.
Căn cứ vào Điều 22 Luật Đầu tư 2020 quy định về đầu tư thành lập tổ chức kinh tế như sau:
Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
1. Nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định sau đây:
a) Nhà đầu tư trong nước thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế;
b) Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này;
c) Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2. Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Theo đó, đầu tư thành lập tổ chức kinh tế là việc nhà đầu tư góp vốn hoặc bỏ vốn để thành lập các tổ chức kinh doanh như công ty, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã tại Việt Nam nhằm thực hiện các hoạt động kinh doanh, sản xuất.
Hình thức này có thể áp dụng cho cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điểm khác biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài khi tiến hành đầu tư thành lập tổ chức kinh tế?
Căn cứ vào Điều 22 Luật Đầu tư 2020 quy định về đầu tư thành lập tổ chức kinh tế:
Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
1. Nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định sau đây:
a) Nhà đầu tư trong nước thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế;
b) Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này;
c) Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2. Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
(1) Đối với nhà đầu tư trong nước:
Theo đó, đối với nhà đầu tư trong nước, việc thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật doanh nghiệp. Tức là đối với nhóm đối tượng này, nhà đầu tư chỉ cần xin ERC (tức Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) trước khi thành lập tổ chức kinh tế.
(2) Đối với nhà đầu tư nước ngoài:
Theo điểm b, điểm c khoản 1 Điều 22 Luật Đầu tư 2020, đối với nhà đầu tư nước ngoài, để đầu tư bằng hình thức thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư cần phải:
- Có dự án đầu tư;
- Đáp ứng các điều kiện về tiếp cận thị trường tại Điều 9 Luật Đầu tư 2020;
- Xin IRC (tức thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư);
- Sau đó thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp rồi thành lâp tổ chức kinh tế.