Loading

11:25 - 19/12/2024

Tạm xuất tái nhập là gì? Có được miễn thuế nhập khẩu không?

Hiểu như thế nào về tạm xuất tái nhập? Hàng hóa tạm xuất tái nhập có được miễn thuế nhập khẩu không?

Nội dung chính


    Tạm xuất tái nhập là gì?

    Căn cứ theo Điều 29 Luật Thương mại 2005 (khoản 3 bị bãi bỏ bởi khoản 3 Điều 112 Luật Quản lý ngoại thương 2017) quy định về tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập hàng hoá như sau:

    Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập hàng hoá
    1. Tạm nhập, tái xuất hàng hóa là việc hàng hoá được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam, có làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hoá đó ra khỏi Việt Nam.
    2. Tạm xuất, tái nhập hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra nước ngoài hoặc đưa vào các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật, có làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam và làm thủ tục nhập khẩu lại chính hàng hoá đó vào Việt Nam.

    Như vậy, có thể hiểu rằng tạm xuất tái nhập là quá trình xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài hoặc vào các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam (được coi là khu vực hải quan riêng) và sau đó nhập khẩu lại chính hàng hóa đó vào Việt Nam.

    Tạm xuất tái nhập là gì? Có được miễn thuế nhập khẩu không?

    Tạm xuất tái nhập là gì? Có được miễn thuế nhập khẩu không? (Hình từ Internet)

    Hàng hóa tạm xuất tái nhập có được miễn thuế nhập khẩu không?

    Căn cứ điểm a khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu 2016 quy định như sau:

    Miễn thuế
    ...
    9. Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định, bao gồm:
    a) Hàng hóa tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để tổ chức hoặc tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, sự kiện thể thao, văn hóa, nghệ thuật hoặc các sự kiện khác; máy móc, thiết bị tạm nhập, tái xuất để thử nghiệm, nghiên cứu phát triển sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định hoặc phục vụ gia công cho thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất;
    ...

    Đồng thời căn cứ khoản 20 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định:

    Hàng hoá chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hoá xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài; hàng hoá, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau.

    Như vậy, hàng hóa tạm xuất tái nhập có thể được miễn thuế nhập khẩu trong một số trường hợp nhất định. Cụ thể, các trường hợp miễn thuế bao gồm:

    - Hàng hóa tạm xuất tái nhập để tổ chức hoặc tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, sự kiện thể thao, văn hóa, nghệ thuật hoặc các sự kiện khác.

    - Máy móc, thiết bị tạm xuất tái nhập để thử nghiệm, nghiên cứu phát triển sản phẩm.

    - Máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm xuất tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định hoặc phục vụ gia công cho thương nhân nước ngoài.

    Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ không được miễn thuế, chẳng hạn như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm xuất tái nhập để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất.

    Các hình thức tạm nhập tái xuất khác ra sao?

    Căn cứ Điều 15 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định các hình thức tạm nhập tái xuất cụ thể như sau:

    - Trừ trường hợp hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, thương nhân được tạm nhập hàng hóa vào Việt Nam theo hợp đồng ký với nước ngoài để phục vụ mục đích bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn hoặc để sử dụng vì mục đích khác trong một khoảng thời gian nhất định rồi tái xuất chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam theo các quy định sau:

    + Đối với hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường hợp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất. Hồ sơ, quy trình cấp Giấy phép quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định 69/2018/NĐ-CP.

    Riêng đối với hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam, Bộ Công Thương cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất trên cơ sở văn bản chấp thuận của bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý hàng hóa đó.

    + Hàng hóa quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 69/2018/NĐ-CP khi sử dụng tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý.

    + Trường hợp hàng hóa không thuộc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 69/2018/NĐ-CP, thương nhân thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất.

    - Tạm nhập, tái xuất hàng hóa để trưng bày, giới thiệu, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại

    + Thương nhân được tạm nhập hàng hóa để trưng bày, giới thiệu, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại, trừ trường hợp hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.

    + Thủ tục tạm nhập, tái xuất thực hiện tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất.

    + Thương nhân đảm bảo tuân thủ các quy định về trưng bày, giới thiệu hàng hóa, hội chợ, triển lãm thương mại quy định tại Mục 3, Mục 4 Chương 4 Luật thương mại.

    saved-content
    unsaved-content
    319