Loading

09:30 - 15/11/2024

Trợ cấp thất nghiệp được tính như thế nào?

Cách tính trợ cấp thất nghiệp theo quy định hiện nay? Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động? Thời gian người lao động làm việc để được hưởng trợ cấp thôi việc?

Nội dung chính

    Cách tính trợ cấp thất nghiệp theo quy định hiện nay?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động được xác định như sau:

    Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng

    =

    Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp

     

    x

    60%

    Trong đó:

    - Trường hợp những tháng cuối cùng trước khi thất nghiệp, người lao động có thời gian gián đoạn đóng bảo hiểm thất nghiệp thì 06 tháng liền kề để tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là bình quân tiền lương của 06 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

    - Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

    Như vậy, để tính được tiền trợ cấp thất nghiệp người lao động phải xác định được mức lương hàng tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong khoảng thời gian ít nhất là 6 tháng liền kề trước thất nghiệp.

    Trợ cấp thất nghiệp được tính như thế nào?Trợ cấp thất nghiệp được tính như thế nào? (Hình từ Internet)

    Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm 2013, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được tính như sau:

    - Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp.

    - Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

    Dưới đây là bảng quy đổi thời gian tham gia đóng BHTN tương ứng với số tháng được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động đủ điều kiện hưởng nhưu sau:

    Số tháng đóng BHTN

    Số tháng nhận TCTN

    Dưới 12 tháng

    0 tháng

    Từ đủ 12 tháng - dưới 36 tháng

    3 tháng

    Từ đủ 36 tháng - dưới 48 tháng

    4 tháng

    Từ đủ 48 tháng - dưới 60 tháng

    5 tháng

    ....cứ đóng đủ 12 tháng...

    ...thêm 1 tháng...

    Từ đủ 132 tháng - dưới 144 tháng

    11 tháng

    Từ đủ 144 tháng trở lên

    12 tháng

    Thời gian người lao động làm việc để được hưởng trợ cấp thôi việc là bao lâu?

    Tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:

    Trợ cấp thôi việc
    ...
    2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
    ...

    Theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì việc xác định các khoảng thời gian tính trợ cấp thất nghiệp được thực hiện như sau:

    (1) Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động gồm:

    - Thời gian đã trực tiếp làm việc.

    - Thời gian thử việc.

    - Thời gian được người sử dụng lao động cử đi học.

    - Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo bảo hiểm xã hội.

    - Thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

    - Thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương.

    - Thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động.

    - Thời gian nghỉ hằng tuần, nghỉ việc hưởng nguyên lương.

    - Thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động.

    - Thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

    (2) Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

    - Thời gian người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật

    - Thời gian người lao động thuộc diện không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật nhưng được người sử dụng lao động chi trả cùng với tiền lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp.

    (3) Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng).

    Trường hợp thời gian này có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 06 tháng được tính bằng 1/2 năm, trên 06 tháng được tính bằng 01 năm làm việc.

    Một số trường hợp cụ thể khác về thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động được nêu thêm tại khoản 4 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

    Nghỉ việc không báo trước có được nhận trợ cấp hay không?

    Căn cứ tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 người lao động muốn xin nghỉ việc cần phải báo trước đến người sử dụng lao động trong thời hạn sau:

    - Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

    - Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng.

    - Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.

    - Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

    Tuy nhiên, nếu rơi vào 1 trong 07 trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được phép nghỉ việc ngay mà không cần báo trước với người sử dụng lao động.

    Trường hợp người lao động nghỉ việc không báo trước sẽ bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

    Tại Điều 40 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

    Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
    1. Không được trợ cấp thôi việc.
    2. Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
    3. Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.

    Như vậy, người lao động nghỉ việc không báo trước trái pháp luật sẽ không được nhận trợ cấp thôi việc.

    saved-content
    unsaved-content
    236