Loading

11:03 - 11/11/2024

Từ ngày 01/7/2026, hộ gia đình khoan giếng để lấy nước sinh hoạt phải kê khai ở đâu?

Từ ngày 01/7/2026, hộ gia đình khoan giếng để lấy nước sinh hoạt phải kê khai ở đâu?

Nội dung chính

    Hộ gia đình khoan giếng để lấy nước sinh hoạt phải kê khai từ ngày 01/7/2026?

    Tại khoản 4 Điều 52 Luật Tài nguyên nước 2023 có quy định chung về việc kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước như sau:

    Quy định chung về việc kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước

    ....

    4. Hộ gia đình khai thác nước dưới đất để sử dụng cho sinh hoạt của mình phải thực hiện kê khai để quản lý.

    ...

    Tại khoản 4 Điều 85 Luật Tài nguyên nước 2023 có quy định hiệu lực thi hành như sau:

    Hiệu lực thi hành

    ....

    4. Việc kê khai khai thác nước dưới đất của hộ gia đình quy định tại khoản 4 Điều 52 của Luật này được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2026.

    Như vậy, từ ngày 01/7/2026, hộ gia đình khoan giếng để lấy nước sinh hoạt phải kê khai.

    Tuy nhiên đối với trường hợp khoan giếng nước ngầm để sinh hoạt thì không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

    Từ ngày 01/7/2026, hộ gia đình khoan giếng để lấy nước sinh hoạt phải kê khai ở đâu? (Hình từ Internet)

    Hộ gia đình khoan giếng để lấy nước sinh hoạt phải kê khai ở đâu?

    Tại Điều 53 Luật Tài nguyên nước 2023 có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước như sau:

    Thẩm quyền, trình tự, thủ tục kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước

    Thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, chấp thuận trả lại, tạm dừng, đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước, giấy phép thăm dò nước dưới đất và kê khai, đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước được quy định như sau:

    1. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, chấp thuận trả lại, tạm dừng, đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước, giấy phép thăm dò nước dưới đất đối với công trình có quy mô khai thác nước lớn; công trình khai thác nước có tác động ảnh hưởng liên vùng, liên tỉnh;

    2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, chấp thuận trả lại, tạm dừng, đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước, giấy phép thăm dò nước dưới đất không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này; tổ chức đăng ký khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển;

    3. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức đăng ký khai thác nước dưới đất;

    4. Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận kê khai việc khai thác nước dưới đất của hộ gia đình để sử dụng cho sinh hoạt;

    5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quy định trình tự, thủ tục kê khai việc khai thác nước dưới đất của hộ gia đình, đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước; quy định cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, chấp thuận trả lại, tạm dừng, đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước , giấy phép thăm dò nước dưới đất.

    Như vậy, hộ gia đình khoan giếng để lấy nước sinh hoạt phải kê khai tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

    Tổ chức, cá nhân không phải kê khai, cấp phép khai thác tài nguyên nước trong trường hợp nào?

    Tại khoản 3 Điều 52 Luật Tài nguyên nước 2023 có quy định về tổ chức, cá nhân không phải kê khai, cấp phép khai thác tài nguyên nước và đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong các trường hợp sau:

    (1) Khai thác nước cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phòng cháy, chữa cháy, phục vụ mục đích quốc phòng và an ninh, tưới cây và rửa đường phục vụ mục đích công cộng;

    (2) Khai thác nước mặt quy mô nhỏ để sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản;

    (3) Khai thác nước mặt quy mô nhỏ để sử dụng cho các mục đích ngoài mục đích tại trường hợp (1), (2) và khai thác nước biển để sử dụng cho sản xuất muối;

    (4) Khai thác nước cho sinh hoạt tại các khu vực trong thời gian xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sự cố ô nhiễm, dịch bệnh do cấp có thẩm quyền công bố theo quy định của pháp luật;

    (5) Khai thác nước biển để sử dụng cho sản xuất muối;

    (6) Khai thác nước biển phục vụ các hoạt động trên biển;

    (7) Khai thác nước biển quy mô nhỏ để sử dụng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản trên đảo, đất liền;

    (8) Sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ quy mô nhỏ;

    (9) Đào hồ, ao, kênh, mương, rạch quy mô nhỏ để tạo không gian thu, trữ nước, dẫn nước, tạo cảnh quan;

    (10) Hoạt động sử dụng mặt nước trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thực hiện theo quy định của pháp luật về thủy lợi;

    (11) Các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

    Thời hạn của giấy phép khai thác tài nguyên nước tối đa là bao lâu?

    Tại khoản 1 Điều 54 Luật Tài nguyên nước 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2024) quy định thời hạn của giấy phép khai thác tài nguyên nước được quy định như sau:

    - Giấy phép khai thác nước mặt có thời hạn tối đa 10 năm, tối thiểu 05 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn 05 năm;

    - Giấy phép khai thác nước biển có thời hạn tối đa 15 năm, tối thiểu 10 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn 10 năm;

    - Giấy phép khai thác nước dưới đất có thời hạn tối đa 05 năm, tối thiểu 03 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn 03 năm;

    - Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép với thời hạn ngắn hơn thời hạn tối thiểu trên thì giấy phép được cấp theo thời hạn đề nghị trong đơn và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối đa không quá thời hạn giấy phép đã được cấp, gia hạn liền trước đó.

    Trân trọng!

    saved-content
    unsaved-content
    227