Loading

23:59 - 23/11/2024

Vợ có được mang thai hộ khi chồng không đồng ý không?

Vợ có được mang thai hộ khi chồng không đồng ý không? Lao động nữ mang thai hộ có được hưởng chế độ thai sản không?

Nội dung chính

    Vợ có được mang thai hộ khi chồng không đồng ý không?

    Căn cứ điểm d khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về điều kiện của người được nhờ mang thai hộ như sau:

    Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
    3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:
    a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
    b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
    c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
    d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
    đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

    Như vậy, theo quy định trên, khi người vợ được nhờ mang thai hộ thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.

    Vợ có được mang thai hộ khi chồng không đồng ý không?

    Vợ có được mang thai hộ khi chồng không đồng ý không? (Hình từ internet)

    Lao động nữ mang thai hộ có được hưởng chế độ thai sản không?

    Căn cứ tại điểm c khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

    Điều kiện hưởng chế độ thai sản
    1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
    a) Lao động nữ mang thai;
    b) Lao động nữ sinh con;
    c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
    d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
    đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
    e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
    2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
    3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
    4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.

    Như vậy, lao động nữ mang thai hộ là một trong những đối tượng được hưởng chế độ thai sản.

    Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ khi sinh con bao gồm những tài liệu gì?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ khi sinh con, bao gồm:

    - Bản sao bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 96 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ;

    - Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;

    - Danh sách người lao động hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập;

    - Trường hợp con chết mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì có thêm bản sao giấy chứng tử của con;

    - Trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì có thêm trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ;

    - Trong trường hợp sau khi sinh con mà lao động nữ mang thai hộ chết thì có thêm bản sao giấy chứng tử của lao động nữ mang thai hộ;

    - Trong trường hợp lao động nữ mang thai hộ khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì có thêm giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

    Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với người mẹ nhờ mang thai hộ khi lao động nữ mang thai hộ sinh con gồm những gì?

    Căn cứ theo khoản 4 Điều 5 Nghị định 115/2015/NĐ-CP hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với người mẹ nhờ mang thai hộ khi lao động nữ mang thai hộ sinh con, bao gồm:

    - Bản sao bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 96 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ;

    - Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;

    - Danh sách người lao động hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập;

    - Trong trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ chết thì có thêm bản sao giấy chứng tử;

    - Trong trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con thì có thêm giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

    - Trong trường hợp con chưa đủ 06 tháng tuổi bị chết thì có thêm bản sao giấy chứng tử của con.

    saved-content
    unsaved-content
    95