Cách viết bảng kê khai về người phải trực tiếp nuôi dưỡng theo Mẫu 07/XN-NPT-TNCN
Nội dung chính
Cách viết bảng kê khai về người phải trực tiếp nuôi dưỡng theo Mẫu 07/XN-NPT-TNCN
Hiện nay, việc kê khai người phải trực tiếp nuôi dưỡng trong quá trình tính thuế thu nhập cá nhân, người nộp thuế phải sử dụng mẫu Mẫu 07/XN-NPT-TNCN được quy định tại số thứ tự 63 Mục VII Phụ lục 2 về Danh mục Mẫu biểu hồ sơ khai thuế ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.
Cách viết bảng kê khai về người phải trực tiếp nuôi dưỡng thực hiện như sau:
(1) Cơ quan nhận đơn:
Kính gửi: Ủy ban nhân dân (UBND) xã/phường...
Lưu ý: UBND xã/phường này là nơi người phụ thuộc không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang trực tiếp nuôi dưỡng cư trú.
(2) Thông tin cá nhân người nộp thuế
Kính gửi: Ủy ban nhân dân (UBND) xã/phường....................
Họ và tên người nộp thuế:.....................................................
Mã số thuế: ...........................................................................
Số CMND/CCCD/Hộ chiếu:.......... Ngày cấp:.......................
Nơi cấp:................................................................................
Chỗ ở hiện nay:.....................................................................
(3) Liệt kê người đang phải trực tiếp nuôi dưỡng
Tôi kê khai người phụ thuộc sau đây tôi đang trực tiếp nuôi dưỡng:
...
Căn cứ theo quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế TNCN thì UBND xã/phường nơi người nộp thuế cư trú có trách nhiệm xác nhận người phụ thuộc đang sống cùng người nộp thuế hoặc UBND xã/phường nơi người phụ thuộc cư trú có trách nhiệm xác nhận người phụ thuộc không sống cùng người nộp thuế và không có ai nuôi dưỡng.
Tôi cam đoan những nội dung kê khai trên là đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung đã khai.
(4) Chú ý:
Trường hợp người nộp thuế có nhiều người phụ thuộc cư trú tại nhiều xã/phường khác nhau thì người nộp thuế phải lập Bản kê khai để UBND xã/phường từng nơi người phụ thuộc cư trú xác nhận.
Cách viết bảng kê khai về người phải trực tiếp nuôi dưỡng theo Mẫu 07/XN-NPT-TNCN (Hình từ Internet)
Người nộp thuế được giảm trừ đối với mỗi người phải trực tiếp nuôi dưỡng bao nhiêu tiền?
Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 thì mức giảm trừ gia cảnh được quy định như sau:
Các khoản giảm trừ
Các khoản giảm trừ theo hướng dẫn tại Điều này là các khoản được trừ vào thu nhập chịu thuế của cá nhân trước khi xác định thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công. Cụ thể như sau:
1. Giảm trừ gia cảnh
Theo quy định tại Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân; khoản 4, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân; Điều 12 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, việc giảm trừ gia cảnh được thực hiện như sau:
a) Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công của người nộp thuế là cá nhân cư trú.
Trường hợp cá nhân cư trú vừa có thu nhập từ kinh doanh, vừa có thu nhập từ tiền lương, tiền công thì tính giảm trừ gia cảnh một lần vào tổng thu nhập từ kinh doanh và từ tiền lương, tiền công.
b) Mức giảm trừ gia cảnh
b.1) Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);
b.2) Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
...
Theo đó, từ kỳ tính thuế năm 2020 người nộp thuế được giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phải trực tiếp nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.
Xác định người phải trực tiếp nuôi dưỡng theo tiêu chí nào?
Căn cứ vào tiết d4 điểm d khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 25 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định về các khoản giảm trừ như sau:
Các khoản giảm trừ
Các khoản giảm trừ theo hướng dẫn tại Điều này là các khoản được trừ vào thu nhập chịu thuế của cá nhân trước khi xác định thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công. Cụ thể như sau:
1. Giảm trừ gia cảnh
...
d.4) Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng và đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều này bao gồm:
d.4.1) Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế.
d.4.2) Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế.
d.4.3) Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: con của anh ruột, chị ruột, em ruột.
d.4.4) Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.
đ) Cá nhân được tính là người phụ thuộc theo hướng dẫn tại các tiết d.2, d.3, d.4, điểm d, khoản 1, Điều này phải đáp ứng các điều kiện sau:
đ.1) Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
đ.1.1) Bị khuyết tật, không có khả năng lao động.
đ.1.2) Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.
đ.2) Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.
...
Như vậy, người phải trực tiếp nuôi dưỡng được xác định như sau:
(1) Đối tượng:
- Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế.
- Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế.
- Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: con của anh ruột, chị ruột, em ruột.
- Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.
(2) Các đối tượng tại (1) phải đáp ứng điều kiện sau:
- Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
+ Bị khuyết tật, không có khả năng lao động.
+ Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.
- Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.