Chính thức có Luật Điện lực 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2025?
Nội dung chính
Chính thức có Luật Điện lực 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2025
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực 2024 với 439/463 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,65% tổng số đại biểu Quốc hội.
Theo đó, Luật Điện lực 2024 có 9 chương và 81 điều (giảm 49 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8; chỉ bổ sung 11 điều so với Luật Điện lực hiện hành) quy định về quy hoạch phát triển điện lực, đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện cạnh tranh, hoạt động mua bán điện; điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực; trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động điện lực và sử dụng điện; quản lý nhà nước về điện lực.
Đồng thời, khoản 1 Điều 80 Luật Điện lực 2024 quy định:
Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2025.
...
Như vậy, Luật Điện lực 2024 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2025.
Tải về Luật Điện lực 2024.
Chính thức có Luật Điện lực 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2025 (Hình từ Internet)
Nhà nước có chính sách gì về phát triển điện lực theo Luật Điện lực 2024?
Căn cứ Điều 5 Luật Điện lực 2024 quy định:
Chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực
1. Nhà nước ban hành các chính sách phát triển, đầu tư xây dựng ngành điện bảo đảm yêu cầu là ngành công nghiệp hạ tầng quan trọng nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân, phát triển bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, đáp ứng nhu cầu điện phục vụ đời sống Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ổn định, an toàn và kinh tế, dịch vụ văn minh, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia.
2. Nhà nước độc quyền trong các hoạt động sau đây vì mục đích bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia:
a) Điều độ hệ thống điện quốc gia;
b) Đầu tư xây dựng và vận hành dự án nhà máy điện hạt nhân, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, lưới điện truyền tải quan trọng từ cấp điện áp 220 kV trở lên theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quyết định;
c) Vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng.
3. Chính sách phát triển điện vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm:
a) Ưu tiên ngân sách nhà nước, kết hợp huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài cho đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện bảo đảm cung cấp điện an toàn, thường xuyên, tin cậy cho các hộ gia đình và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương;
b) Ưu đãi về đầu tư, tài chính và ưu đãi, hỗ trợ khác đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện, kinh doanh cấp điện cho các hộ gia đình bảo đảm bền vững và hiệu quả.
4. Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện; các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện do mình đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.
5. Dự án điện lực sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp do doanh nghiệp này nắm giữ 100% vốn điều lệ làm chủ đầu tư thuộc danh mục ưu tiên đầu tư của Nhà nước được vay lại vốn và cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng theo quy định của Luật Quản lý nợ công.
6. Có cơ chế phát triển các dự án điện lực phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và an ninh tài chính quốc gia, bảo đảm lợi ích của Nhà nước và Nhân dân, ổn định kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ, bao gồm: sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn và thời gian áp dụng, nguyên tắc tính giá điện, bảo đảm thực hiện dự án đầu tư, thời hạn của chính sách đối với từng trường hợp.
7. Khuyến khích nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch chuyển đổi sang các nguồn nhiên liệu phát thải thấp, lắp đặt các thiết bị, hệ thống thu giữ các-bon để giảm phát thải ra môi trường, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động; phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; bảo đảm tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường.
8. Về chính sách phát triển nhiệt điện khí:
a) Ưu tiên phát triển nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí thiên nhiên trong nước, phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống điện;
b) Có cơ chế huy động các dự án nhiệt điện sử dụng nguồn khí thiên nhiên trong nước tối đa theo khả năng cấp khí và các ràng buộc về nhiên liệu để bảo đảm hài hòa lợi ích tổng thể của quốc gia;
c) Có cơ chế để phát triển các nhà máy nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng quy định tại khoản 6 Điều này; ưu tiên phát triển các dự án điện lực gắn với việc sử dụng chung hạ tầng kho cảng nhập khí thiên nhiên hóa lỏng, đường ống khí để giảm giá thành sản xuất điện.
9. Về chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới:
a) Phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống điện với giá thành điện năng hợp lý, đồng bộ với phát triển lưới điện và quy hoạch phát triển điện lực, phù hợp với trình độ công nghệ, nguồn nhân lực, đáp ứng mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam trong từng thời kỳ;
b) Có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho từng loại hình nguồn điện, trong đó có các dự án thủy điện nhỏ được xác định theo quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi; khuyến khích đầu tư các dự án tham gia thị trường điện cạnh tranh.
10. Về chính sách phát triển điện hạt nhân:
a) Quy hoạch phát triển điện hạt nhân phải gắn liền, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực để bảo đảm mục tiêu an ninh cung cấp điện;
b) Đầu tư xây dựng, vận hành, chấm dứt hoạt động và bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.
11. Xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh, có sự điều tiết của Nhà nước để nâng cao hiệu quả trong hoạt động điện lực. Tái cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực điện lực phù hợp với các cấp độ thị trường điện cạnh tranh theo nguyên tắc sau đây:
a) Tách bạch chức năng sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ với chức năng quản lý nhà nước; tách bạch các hoạt động có tính độc quyền tự nhiên, độc quyền nhà nước với các hoạt động có tính cạnh tranh trong dây chuyền sản xuất điện năng để hình thành các đơn vị cung cấp dịch vụ hoạt động độc lập, hình thành nhiều đơn vị phát điện, nhiều đơn vị bán buôn điện, bán lẻ điện nhằm gia tăng đối tượng tham gia và nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường điện;
b) Tập trung vào lĩnh vực cốt lõi và có thế mạnh của doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực điện lực; tối ưu hóa sử dụng nguồn lực và gia tăng giá trị doanh nghiệp; cung cấp điện cho hải đảo, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
12. Về chính sách giá điện và giá dịch vụ về điện:
a) Bảo đảm phản ánh chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh điện hợp lý, hợp lệ của đơn vị điện lực; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, sử dụng các dạng năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong hoạt động điện lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
b) Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết giá của Nhà nước phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh;
c) Giá điện bảo đảm khuyến khích sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm;
d) Thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý và giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh khi chưa đủ điều kiện tham gia hoặc không lựa chọn tham gia mua bán điện trên thị trường bán lẻ điện cạnh tranh;
đ) Giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng, miền phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh;
e) Bảo đảm quyền tự quyết định giá mua điện, giá bán điện không vượt quá khung giá điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định;
g) Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện. Giá điện bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực;
h) Xây dựng cơ chế giá điện phù hợp đối với các nhóm khách hàng đặc thù theo các chủ trương của Nhà nước phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
13. Về hỗ trợ tiền điện của Nhà nước:
a) Ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí, cơ chế do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ;
b) Chính phủ ban hành phương án hỗ trợ giảm tiền điện trong trường hợp có sự cố, thảm họa theo quy định của Luật Phòng thủ dân sự để ổn định phát triển kinh tế - xã hội.
Như vậy, Nhà nước có 13 chính sách nêu trên về phát triển điện lực.
Luật Điện lực 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2025.