Loading


Chồng dùng tài sản chung làm tài sản góp vốn được không? Có thể hủy việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân không?

Chồng có thể dùng tài sản chung làm tài sản góp vốn được không? Có thể hủy việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được không? Trường hợp nào thì tài sản chung của vợ chồng phải chia đôi 50%?

Nội dung chính

    Chồng có thể dùng tài sản chung làm tài sản góp vốn được không?

    Có thể dùng tài sản vợ chồng làm tài sản góp vốn không? Tôi tên Khoa năm nay 30 tuổi có vợ là Thắm. Vợ chồng tôi có một chiếc xe ô tô do tôi đứng tên mua sau khi lấy nhau, tôi dùng xe để chạy grab. Hiện giờ tôi có thể tự mình dùng xe để làm tài sản góp vốn thì có được không?

    Trả lời:

    Căn cứ Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

    - Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

    Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

    Ngoài ra, căn cứ Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tài sản góp vốn như sau:

    - Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

    - Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.

    Bên cạnh đó tại Điều 36 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung được đưa vào kinh doanh như sau:

    Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản.

    Như vậy, theo quy định hiện hành đối chiếu với trường hợp mà bạn đề cập thì bạn hoàn toàn có thể dùng tài sản chung của vợ chồng làm tài sản góp vốn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý thỏa thuận này cần được lập thành văn bản.

    Chồng dùng tài sản chung làm tài sản góp vốn được không? (hình ảnh Internet)

    Có thể hủy việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được không?

    Có thể hủy việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được không? Tôi tên Phong năm nay 45 tuổi. Tôi và vợ là Dương lấy nhau được 03 năm thì vì một số nguyên nhân mà vợ chồng tôi hay cãi vã về tiền nong nên quyết định chia tài sản chung. Hiện giờ vợ chồng đã hòa thuận và sắp tới muốn cùng đầu tư mua đất đai nên tôi muốn hủy việc chia tài sản chung kia có được không?

    Trả lời:

    Căn cứ Điều 41 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau:

    - Sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung. Hình thức của thỏa thuận được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật này.

    - Kể từ ngày thỏa thuận của vợ chồng quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có hiệu lực thì việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 33 và Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Phần tài sản mà vợ, chồng đã được chia vẫn thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

    - Quyền, nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước thời điểm chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

    - Trong trường hợp việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thì thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung phải được Tòa án công nhận.

    Theo đó, tại Khoản 2 Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về hình thức thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau:

    - Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

    Như vậy theo quy định hiện hành đối chiếu với trường hợp mà bạn đề cập thì vợ chồng bạn có thể thỏa thuận lại về việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên, hình thức thỏa thuận tương tự với hình thức chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

    Bên cạnh đó, nếu vợ chồng bạn không thỏa thuận gì về hủy chia tài sản chung thì tài sản phát sinh trước thời điểm chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung vẫn có hiệu lực.

    Trường hợp nào thì tài sản chung của vợ chồng phải chia đôi 50%?

    Dạ, cho em hỏi, thông thường thì khi ly hôn có những cặp vợ chồng chia tài sản chung tỉ lệ 60%; 40% hay tỉ lệ 70 và 30%. Như vậy, theo quy định pháp luật thì bắt buộc chia tỉ lệ 50% trong trường hợp nào? Và cho em hỏi thêm nếu người được chia ít hơn thì người đó được dành quyền nuôi con đúng không?

    Trả lời:

    Căn cứ Khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn như sau:

    Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

    - Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

    - Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

    - Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

    - Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

    Căn cứ thêm Khoản 2, Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

    - Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

    - Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

    Như vậy, theo quy định hiện hành thì không đặt ra trường hợp bắt buộc chia tỉ lệ 50/50 mà tùy thuộc vào các yếu tố để tòa án ra quyết định. Hơn nữa, cũng không phải việc giao con cho người được chia tài sản ít hơn để nuôi dưỡng mà yếu tố này cũng phụ thuộc vào nhiều điều kiện như: Kinh tế thu nhập, điều kiện nuôi dưỡng, tình cảm và phúc lợi khác để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho con.

    saved-content
    unsaved-content
    23