Loading


Công trình chính của dự án đầu tư xây dựng là công trình gì?

Công trình chính của dự án đầu tư xây dựng là công trình gì? Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã hoàn thành việc góp vốn có cần ngân hàng bảo lãnh không?

Nội dung chính

    Công trình chính của dự án đầu tư xây dựng là công trình gì?

    Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 175/2024/NĐ-CP về giải thích từ ngữ quy định như sau:

    Giải thích từ ngữ
    1. Công trình chính của dự án đầu tư xây dựng là công trình có công năng, quy mô quyết định đến mục tiêu, quy mô đầu tư của dự án.
    2. Công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng là công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục XI Nghị định này.
    3. Công trình xây dựng theo tuyến là công trình được xây dựng theo hướng tuyến trong một hoặc nhiều khu vực địa giới hành chính, như: đường bộ; đường sắt; luồng, kênh đường thủy nội địa; luồng, kênh hàng hải; tuyến cáp treo; đường dây tải điện; mạng cáp ngoại vi viễn thông, công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động; đường ống dẫn dầu, dẫn khí, cấp thoát nước; đập đầu mối công trình thủy lợi, thủy điện; hệ thống dẫn, chuyển nước; đê, kè và các công trình tương tự khác.
    4. Công trình ngầm là những công trình được xây dựng dưới mặt đất, dưới mặt nước, gồm: công trình công cộng ngầm được hình thành theo dự án độc lập, công trình giao thông ngầm, được xác định tại quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch không gian ngầm hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành.
    5. Phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất là tầng hầm (nếu có) và các bộ phận của công trình nằm dưới mặt đất.
    ...

    Như vậy, công trình chính của dự án đầu tư xây dựng là công trình có công năng và quy mô quyết định trực tiếp đến mục tiêu và quy mô đầu tư của toàn bộ dự án.

    Nói cách khác, đây là hạng mục cốt lõi mà dự án hướng tới, đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hoàn thành và vận hành dự án.

    Công trình chính của dự án đầu tư xây dựng là công trình gì?

    Công trình chính của dự án đầu tư xây dựng là công trình gì? (Hình từ Internet)

    Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã hoàn thành việc góp vốn có cần ngân hàng bảo lãnh không?

    Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 43 Luật Đầu tư 2020 về bảo đảm thực hiện dự án đầu tư quy định như sau:

    Bảo đảm thực hiện dự án đầu tư
    1. Nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ các trường hợp sau đây:
    a) Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;
    b) Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất;
    c) Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
    d) Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác.
    2. Căn cứ vào quy mô, tính chất và tiến độ thực hiện của từng dự án đầu tư, mức ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư từ 01% đến 03% vốn đầu tư của dự án đầu tư. Trường hợp dự án đầu tư gồm nhiều giai đoạn đầu tư thì số tiền ký quỹ được nộp và hoàn trả theo từng giai đoạn thực hiện dự án đầu tư, trừ trường hợp không được hoàn trả.
    3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

    Theo đó, nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã hoàn thành việc góp vốn tiến độ quy định trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì không cần phải ký quỹ hoặc có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ.

    Nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở khi đáp ứng điều kiện gì?

    Căn cứ khoản 1 Điều 46 Luật Đầu tư 2020 về chuyển nhượng dự án đầu tư quy định như sau:

    Chuyển nhượng dự án đầu tư
    1. Nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư cho nhà đầu tư khác khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
    a) Dự án đầu tư hoặc phần dự án đầu tư chuyển nhượng không bị chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 48 của Luật này;
    b) Nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án đầu tư, một phần dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật này;
    c) Điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
    d) Điều kiện theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án bất động sản;
    đ) Điều kiện quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc theo quy định khác của pháp luật có liên quan (nếu có);
    e) Khi chuyển nhượng dự án đầu tư, ngoài việc thực hiện theo quy định tại Điều này, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trước khi thực hiện việc điều chỉnh dự án đầu tư.
    ...

    Như vậy, nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho nhà đầu tư khác khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

    - Dự án không bị chấm dứt hoạt động:

    Phần dự án chuyển nhượng không thuộc trường hợp bị chấm dứt hoạt động theo khoản 1 và khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư 2020.

    - Điều kiện pháp luật đất đai:

    Trong trường hợp chuyển nhượng dự án gắn với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, cần đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

    - Điều kiện pháp luật về nhà ở và kinh doanh bất động sản:

    Dự án đầu tư là dự án xây dựng nhà ở hoặc dự án bất động sản thì phải đáp ứng điều kiện này.

    - Điều kiện trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:

    Việc chuyển nhượng phải tuân thủ điều kiện đã được nêu trong các văn bản này hoặc theo quy định pháp luật có liên quan (nếu có).

    - Đối với doanh nghiệp nhà nước:

    Nếu nhà đầu tư thuộc doanh nghiệp nhà nước, cần thực hiện thêm các quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trước khi điều chỉnh dự án đầu tư.

    saved-content
    unsaved-content
    36