Loading

16:36 - 13/12/2024

Đã có Luật phòng chống mua bán người mới nhất? Luật Phòng chống mua bán người mới nhất có hiệu lực khi nào?

Đã có Luật phòng, chống mua bán người mới nhất? Luật Phòng, chống mua bán người mới nhất có hiệu lực khi nào? Nguyên tắc phòng, chống mua bán người từ 01/7/2025?

Nội dung chính

    Đã có Luật phòng, chống mua bán người mới nhất? Luật Phòng, chống mua bán người mới nhất có hiệu lực khi nào?

    Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Phòng, chống mua bán người 2024, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người và tăng cường nỗ lực đối phó với vấn nạn mua bán người.

    Luật Phòng, chống mua bán người 2024 quy định về:

    - Phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người;

    - Tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân;

    - Quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người;

    - Hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.

    Căn cứ theo quy định tại Điều 62 Luật Phòng, chống mua bán người 2024 về hiệu lực thi hành như sau:

    Hiệu lực thi hành
    1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
    2. Luật Phòng, chống mua bán người số 66/2011/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 63 của Luật này.

    Theo đó, Luật Phòng, chống mua bán người 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.

    Đã có Luật phòng chống mua bán người mới nhất? Luật Phòng chống mua bán người mới nhất có hiệu lực khi nào?

    Đã có Luật phòng chống mua bán người mới nhất? Luật Phòng chống mua bán người mới nhất có hiệu lực khi nào? (Hình từ Internet)

    Nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người từ 01/7/2025 bao gồm những gì?

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Phòng chống mua bán người 2024 về các nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người bao gồm:

    - Chính sách, pháp luật về phòng chống mua bán người và pháp luật có liên quan;

    - Mục đích, thủ đoạn, hành vi mua bán người và các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của Luật này;

    - Kỹ năng ứng xử trong trường hợp có nghi ngờ về việc mua bán người;

    - Biện pháp, kinh nghiệm phòng, chống mua bán người;

    - Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người;

    - Chống xúc phạm, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân;

    - Các biện pháp bảo vệ và chính sách hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; kết quả xử lý vụ việc mua bán người theo quy định của pháp luật;

    - Các nội dung khác có liên quan đến phòng, chống mua bán người.

    Nguyên tắc phòng, chống mua bán người từ 01/7/2025 được quy định như thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Luật Phòng chống mua bán người 2024 về nguyên tắc phòng, chống mua bán người như sau:

    Nguyên tắc phòng, chống mua bán người
    1. Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; lấy nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân làm trung tâm; bảo đảm bình đẳng giới.
    2. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa mua bán người; phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này.
    3. Giải cứu, tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân kịp thời, chính xác; giữ bí mật thông tin và không xúc phạm, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
    4. Bảo đảm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được sử dụng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được và được hưởng chế độ hỗ trợ phù hợp với tín ngưỡng, tôn giáo của họ trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, phù hợp với độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, đặc điểm cá nhân của họ.
    5. Tùy từng trường hợp cụ thể và theo quy định của pháp luật có liên quan, nạn nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là hệ quả trực tiếp của hành vi mua bán người có thể không bị xử lý hành chính hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này.
    6. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người.
    7. Tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp liên ngành, chủ động, tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống mua bán người trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp, phù hợp với pháp luật của Việt Nam và pháp luật, tập quán quốc tế.

    Theo đó, nguyên tắc phòng, chống mua bán người bao gồm:

    - Tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân, bảo đảm bình đẳng giới và lấy nạn nhân làm trung tâm.

    - Áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi mua bán người kịp thời, nghiêm minh.

    - Giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân chính xác, kịp thời; giữ bí mật thông tin, không kỳ thị hay phân biệt đối xử.

    - Bảo đảm nạn nhân được sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, hưởng chế độ hỗ trợ phù hợp với tín ngưỡng, giới tính, và tình trạng cá nhân.

    - Nạn nhân thực hiện hành vi vi phạm do hậu quả trực tiếp của mua bán người có thể không bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

    - Phát huy trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và cá nhân trong công tác phòng, chống mua bán người.

    - Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và phối hợp liên ngành trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam và quốc tế.

    saved-content
    unsaved-content
    58