Loading

14:51 - 06/12/2024

Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí theo Công điện 125/CĐ-TTg 2024

Ngày 01/12/2024, Thủ tướng ban hành Công điện 125/CĐ-TTg năm 2024 về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Nội dung chính

    Triển khai, thực hiện quyết liệt Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2024

    Theo Công điện 125/CĐ-TTg năm 2024 thì trong năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP), Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về tiết kiệm chống lãng phí; công tác THTK, CLP đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực.

    Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP vẫn còn tồn tại, hạn chế: tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để; giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn và việc phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 còn chậm;...

    Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh nguyên nhân do một số quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội thì nguyên nhân chủ yếu là việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm chống lãng phí.

    Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí theo Công điện 125/CĐ-TTg

    Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí theo Công điện 125/CĐ-TTg (Ảnh từ Internet)

    Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí theo Công điện 125 năm 2024

    Theo Công điện 125/CĐ-TTg năm 2024, để tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm chống lãng phí, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

    (1) Tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 27-CT/TW năm 2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí; Nghị quyết 98/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ.

    Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết 53/NQ-CP năm 2023 và Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP năm 2024.

    (2) Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về tiết kiệm chống lãng phí; các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu THTK, CLP năm 2024 theo định hướng, chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về THTK, CLP.

    (3) Hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến công tác THTK, CLP, trong đó tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi Luật THTK, CLP; rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý, các định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.

    Tiếp tục thực hiện rà soát, đề xuất sửa đổi các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác THTK, CLP để bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, nâng cao hiệu quả việc quản lý, sử dụng các nguồn lực Nhà nước.

    (4) Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về THTK, CLP và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến THTK, CLP nhằm nâng cao, thống nhất nhận thức, trách nhiệm về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của công tác THTK, CLP đối với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội; xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí, đưa THTK, CLP trở thành tự giác, tự nguyện.

    Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong THTK, CLP; thực hiện các biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí.

    (5) Tăng cường công tác tổ chức THTK, CLP trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực sau:

    - Về quản lý ngân sách nhà nước:

    Tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia;

    Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước; triệt để cắt giảm chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách để dành chi đầu tư phát triển, nhất là các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu.

    Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước...

    - Về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công: Khẩn trương triển khai thực hiện Công điện 112/CĐ-TTg năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.

    Tăng cường tổ chức thực hiện Luật Đầu tư công, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, kiên quyết cắt giảm các thủ tục không cần thiết. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả đầu tư công...

    - Về quản lý, sử dụng tài sản công:

    Tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Chỉ thị 32/CT-TTg năm 2019 về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.

    Các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát lại toàn bộ tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định, không để lãng phí, thất thoát tài sản của nhà nước; tổng hợp kết quả rà soát, xử lý gửi Bộ Tài chính trước ngày 08 tháng 12 năm 2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 12 năm 2024.

    Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm công tác Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 213/QĐ-TTg năm 2024, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.

    - Về quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc lập và giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quản lý đất đai; dự báo, cảnh báo điều tra, đánh giá, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai và hội nhập quốc tế.

    - Về quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp:

    + Hoàn thành việc sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước;

    + Đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực tài chính, đổi mới quản trị, công nghệ, cơ cấu lại sản phẩm, ngành, nghề sản xuất kinh doanh, cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát theo quy định và kế hoạch việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp nhà nước...

    - Về tổ chức bộ máy, quản lý lao động, thời gian lao động:

    Khẩn trương thực hiện tổng kết 07 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực, giảm tổ chức bên trong, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

    Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính. Thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, xóa bỏ cơ chế “xin-cho”; phân cấp, phân quyền cho cơ quan, địa phương có thẩm quyền giải quyết và chịu trách nhiệm.

    Chuyển đổi số toàn diện việc thực hiện thủ tục hành chính, nhất là hoạt động cấp phép, chuyển mạnh sang cấp phép tự động dựa trên ứng dụng công nghệ, dữ liệu số.

    (6) Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về THTK, CLP: Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực theo quy định của Luật THTK, CLP và pháp luật chuyên ngành, trong đó tập trung lĩnh vực trọng điểm như đất đai, đầu tư công, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản....

    Xem chi tiết tại Công điện 125/CĐ-TTg năm 2024.

    saved-content
    unsaved-content
    54