Dự kiến tăng mức phạt sử dụng điện thoại ở cây xăng từ 1 7 2025?
Nội dung chính
Dự kiến tăng mức phạt sử dụng điện thoại ở cây xăng từ 1 7 2025?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 11 QCVN 01:2020/BCT ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BCT:
Trang thiết bị phòng cháy chữa cháy
1. Tại cửa hàng xăng dầu phải niêm yết nội quy phòng cháy chữa cháy, tiêu lệnh chữa cháy, biển cấm lửa, biển cấm sử dụng điện thoại di động ở các vị trí dễ thấy, dễ đọc.
2. Cửa hàng xăng dầu phải được trang bị đủ số lượng phương tiện chữa cháy ban đầu phù hợp để chữa cháy theo quy định tại TCVN 3890:2009 Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình - Trang bị, bố trí, kiểm tra và bảo dưỡng và theo quy định tại quy chuẩn này.
3. Căn cứ vào tính chất nguy hiểm cháy của các chất, vật liệu trong từng hạng mục của cửa hàng xăng dầu để trang bị, bố trí phương tiện chữa cháy phù hợp.
4. Số lượng phương tiện, dụng cụ chữa cháy ban đầu được quy định trong Bảng 6.
Theo đó, tại các cây xăng đều bố trí bảng cấm sử dụng điện thoại ở cây xăng. Vì vậy mà hành vi sử dụng điện thoại ở cây xăng được xem là mang dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào khu vực cấm.
Mới đây, Bộ Công an đã công bố Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (dự thảo lần 2), trong đó có việc sẽ tăng mức phạt sử dụng điện thoại ở cây xăng.
Cụ thể tại Điều 11 Dự thảo Nghị định có quy định về việc mang lửa, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những khu vực cấm như sau:
Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi mang diêm, bật lửa, điện thoại di động, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy theo quy định.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt ở những nơi có quy định cấm;
b) Hàn, cắt mà không có biện pháp phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
4. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với các hành vi quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này khi để xảy ra cháy.
Theo đó, dựa vào đề xuất ở Dự thảo Nghị định, mức xử phạt đối với hành vi mang điện thoại vào cây xăng sẽ tăng đáng kể. Cụ thể, thay vì mức phạt 100.000 đồng đến 300.000 đồng như quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức phạt mới được đề xuất sẽ dao động từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Trong trường hợp sử dụng điện thoại tại cây xăng, mức phạt đề xuất sẽ tăng lên từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, và nếu gây ra cháy, mức phạt có thể từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Hiện tại, theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi sử dụng điện thoại ở cây xăng chỉ bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Lưu ý: Hiện nay Dự thảo Nghị định chưa công bố chính xác thời điểm có hiệu lực. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định được căn cứ dựa trên Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 có hiệu lực từ 1 7 2025. Vì vậy, Dự thảo Nghị định sẽ có hiệu lực không trước 1 7 2025
Dự kiến tăng mức phạt sử dụng điện thoại ở cây xăng từ 1 7 2025? (Hình từ Internet)
Trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy có những hành vi nào bị nghiêm cấm?
Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Luật Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ 2024 về những hành vi bị nghiêm cấm như sau:
- Cố ý gây cháy, nổ, tai nạn, sự cố hoặc kích động, xúi giục, dụ dỗ người khác gây cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại về người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến kinh tế, môi trường, an ninh, trật tự.
- Xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối lực lượng thực hiện nhiệm vụ và người tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
- Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Lợi dụng việc tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Làm giả, làm sai lệch kết quả thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, kết quả kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
- Báo cháy giả; báo tình huống cứu nạn, cứu hộ giả.
- Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hàng hóa, chất, vật phẩm nguy hiểm về cháy, nổ.
- Chuyển đổi, bổ sung công năng sử dụng công trình, hạng mục công trình không bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
- Kinh doanh phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có chất lượng không đúng với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
- Chiếm đoạt, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tự ý thay đổi, di chuyển, che khuất phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, biển báo, biển chỉ dẫn đã được trang bị theo quy định; cản trở lối thoát nạn; làm mất tác dụng của lối thoát nạn, đường thoát nạn, ngăn cháy lan.
- Lấn chiếm, bố trí vật cản gây cản trở hoạt động của phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cơ giới.
Luật Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ 2024 chính thức có hiệu lực từ 1 7 2025.