Loading

09:52 - 12/12/2024

Hà Nội thực hiện chính sách tặng quà đến các đối tượng đặc biệt nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025

Hà Nội thực hiện chính sách tặng quà cho các đối tượng nào và mức quà tặng của từng đối tượng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 như thế nào?

Nội dung chính

    Hà Nội thực hiện chính sách tặng quà cho các đối tượng nào và mức quà tặng của từng đối tượng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 như thế nào?

    Nhằm đảm bảo mọi người dân đều có một cái Tết ấm áp, đủ đầy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ triển khai Kế hoạch số 276-KH/TU. Theo đó, thành phố Hà Nội sẽ tập trung vào các hoạt động sau:

    - Tặng quà cho người có công, người cao tuổi, người nghèo, người khuyết tật.

    - Thăm hỏi, động viên các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn.

    - Tôn vinh các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc.

    Căn cứ theo Điều 1 Chương I Kế hoạch số 276-KH/TU Thành phố Hà Nội về chính sách tặng quà cho từng đối tượng khác nhau như sau:

    - Mức quà (bằng tiền mặt) 2.000.000 đồng/người và 01 cá nhân thuộc các đối tượng người có công nêu trên thì chỉ nhận 01 suất quà tặng của Thành phố Hà Nội, bao gồm:

    + Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

    + Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến;

    + Thương binh, thương binh loại B, người hưởng chính sách như thương binh tổn thương cơ thể từ 21% trở lên;

    + Bệnh binh tổn thương cơ thể từ 41% trở lên;

    + Thương bệnh binh của thành phố Hà Nội hiện đang được nuôi dưỡng tại 7 trung tâm thuộc các tỉnh liền kề;

    + Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 (Lão thành cách mạng); người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 (Tiền khởi nghĩa);

    + Người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng (trường hợp người đứng tên trong gia đình được tặng kỷ niệm chương "Tổ quốc ghi công" hoặc Bằng "Có công với nước" đã mất thì đại diện vợ, chồng, con được nhận);

    + Đại diện thân nhân của liệt sĩ (Bố, mẹ, vợ, chồng, con, người có công nuôi);

    + Thanh niên xung phong đang hưởng trợ cấp hằng tháng; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;

    + Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày.

    - Mức quà (bằng tiền mặt) 1.000.000 đồng/người:

    + Con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hằng tháng;

    + Con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học của thành phố Hà Nội

    hiện đang được nuôi dưỡng tại 7 trung tâm thuộc các tỉnh liền kề;

    + Đại diện thờ cúng liệt sĩ (01 liệt sĩ/01 suất quà);

    + Quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 đang hưởng trợ cấp hằng tháng;

    + Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 đang hưởng trợ cấp hằng tháng;

    + Người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

    - Mức quà (bằng tiền mặt) 1.000.000 đồng/người: Nữ cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (cô đơn, không hưởng trợ cấp hằng tháng) theo đề xuất của Hội cựu Thanh niên xung phong thành phố Hà Nội.

    - Mức quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi (bằng tiền mặt):

    + 1.200.000 đồng/người: Người cao tuổi trên 100 tuổi (sinh trước năm1925);

    + 1.500.000 đồng/người (đã bao gồm 5 mét vải lụa): Người cao tuổi tròn 100 tuổi (sinh năm 1925);

    + 1.000.000 đồng/người: Người cao tuổi tròn 90, 95 tuổi (sinh năm 1935, 1930);

    + 700.000 đồng/người: Người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85 (sinh năm 1955, 1950, 1945, 1940).

    - Mức quà (bằng tiền mặt) 500.000 đồng/người: Người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (theo đề xuất của Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội).

    - Mức quà (bằng tiền mặt) 300.000 đồng/người: Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; đối tượng Bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng.

    - Mức quà (bằng tiền mặt):

    + 500.000 đồng/hộ đối với hộ nghèo;

    + 300.000 đồng/hộ đối với hộ cận nghèo (Hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2025 được cấp có thẩm quyền công nhận).

    Trường hợp tặng quà thuộc đối tượng chính sách người có công; đối tượng hưởng theo các Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008, số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010, số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011, thanh niên xung phong đồng thời là đối tượng bảo trợ xã hội thì chỉ được hưởng một chế độ tặng quà cao nhất (trừ quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi).

    - Tặng quà 83 đơn vị, mỗi suất quà trị giá từ 6.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng, trong đó:

    + Đoàn lãnh đạo Thành phố thăm tặng quà theo Kế hoạch của Thành ủy Hà Nội bao gồm: Câu lạc bộ Thăng Long, Ban Đại diện các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù, đày thành phố Hà Nội, Khu điều dưỡng cán bộ tại Đại Lải, Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội, Trung tâm chăm sóc người khuyết tật Hà Nội.

    + Ủy quyền cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các quận, huyện, thị xã tặng quà (78 đơn vị): Trường giáo dưỡng Bộ Công an - Ninh Bình; UBND huyện Thanh Thủy - tỉnh Phú Thọ; các Trung tâm nuôi dưỡng người có công các tỉnh liền kề có đối tượng người có công Hà Nội đang được nuôi dưỡng (7 đơn vị); Làng Hữu nghị Việt Nam; Bệnh viện 09 - Sở Y tế; Ban Phục vụ lễ tang Hà Nội; Hội Nạn nhân chất độc da cam Thành phố; Hội Cựu Thanh niên xung phong Thành phố; Ban Quản lý các nghĩa trang của Thành phố (Ban Quản lý nghĩa trang liệt sỹ Nhổn, Ban Quản lý nghĩa trang liệt sỹ Ngọc Hồi, Ban Quản lý nghĩa trang Mai Dịch); Hội Người khuyết tật Thành phố; Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Thành phố; Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Thành phố; Hội Người mù Thành phố; Hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Thành phố; các đơn vị nuôi dưỡng, điều dưỡng đối tượng chính sách xã hội tập trung; các Trung tâm phục hồi chức năng; các Cơ sở bảo trợ xã hội; các đơn vị sản xuất kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền công nhận sử dụng 30% tổng số lao động trở lên là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh và các đơn vị sản xuất kinh doanh sử dụng trên 30% lao động là người khuyết tật trên địa bàn Thành phố.

    - Tặng 150 suất quà cá nhân tiêu biểu, mỗi suất 6.000.000 đồng (tiền mặt 5.000.000 đồng, túi quà 1.000.000 đồng), trong đó:

    + Đoàn lãnh đạo Thành phố đi thăm tặng quà (mỗi quận, huyện, thị xã chọn 03 trường hợp) theo Kế hoạch của Thành ủy Hà Nội bao gồm: các đồng chí Lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng; nhân sĩ, văn nghệ sĩ, trí thức, gia đình chính sách, công nhân, người lao động trực tiếp, công dân ưu tú, gương người tốt việc tốt… tiêu biểu trên địa bàn Thành phố.

    + Ủy quyền cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thăm tặng quà gia đình người có công tiêu biểu (mỗi quận, huyện, thị xã chọn 02 gia đình).

    - Tặng quà (bằng tiền mặt) 500.000 đồng/người: Bồi dưỡng cho cán bộ công nhân viên phục vụ trực tiếp; bổ sung thêm tiền ăn cho các đối tượng đang được chữa trị, nuôi dưỡng tập trung trong các ngày Tết tại các Trung tâm chữa trị và nuôi dưỡng đối tượng xã hội tập trung trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bệnh viện 09 - Sở Y tế.

    - Ngoài quà tặng của Thành phố, các địa phương tuỳ vào điều kiện và khả năng thực tế có thể có các cơ chế chính sách hỗ trợ các gia đình chính sách xã hội khó khăn trên địa bàn quản lý, bảo đảm các đối tượng đều có Tết.

    Hà Nội thực hiện chính sách tặng quà đến các đối tượng đặt biệt nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025Hà Nội thực hiện chính sách tặng quà đến các đối tượng đặt biệt nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 (Hình từ Internet)

    Dự kiến tổng số quà tặng là bao nhiêu kinh phí?

    Căn cứ theo Điều 2 Chương II Kế hoạch số 276-KH/TU Thành phố Hà Nội về dự kiến kinh phí thực hiện chính sách tặng quà cho từng đối tượng như sau:

    Kinh phí và nguồn kinh phí
    Tổng số quà tặng (dự kiến): 1.109.408 suất, với tổng kinh phí (dự kiến) là 567.631.800.000 đồng (Bằng chữ: Năm trăm sáu mươi bảy tỷ, sáu trăm ba mươi mốt triệu, tám trăm nghìn đồng chẵn).
    a) Nguồn kinh phí: Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch được đảm bảo từ nguồn ngân sách cấp Thành phố, cấp huyện, cấp xã theo phân cấp và các nguồn huy động hợp pháp khác
    b) Các đơn vị có trách nhiệm sử dụng kinh phí theo đúng quy định, chi trả đúng đối tượng, đúng chế độ, chính sách và thanh quyết toán kinh phí thực hiện đảm bảo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
    c) Ngoài kinh phí từ nguồn ngân sách nêu trên, giao Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, Thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ vào các nguồn quyên tặng, nguồn được phép huy động khác phù hợp với khả năng của cơ quan, đơn vị để quyết định các mức trợ cấp, mức tặng quà và tổ chức trợ cấp khó khăn đối với các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

    Theo đó, dự kiến có 1.109.408 suất quà tặng đến các đối tượng được đề cập trên, và tổng số kinh phí Thành phố Hà Nội thực hiện chính sách tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 là 567.631.800.000 đồng (Bằng chữ: Năm trăm sáu mươi bảy tỷ, sáu trăm ba mươi mốt triệu, tám trăm nghìn đồng chẵn).

    Tải về Kế hoạch số 276-KH/TU Thành phố Hà Nội tại đây.

    saved-content
    unsaved-content
    168