Loading


Hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước?

Việc kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước được hướng dẫn như thế nào? Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát các nội dung gì?

Nội dung chính

    Hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước?

    Ngày 14/03/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 17/2024/TT-BTC hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước từ các nguồn:

    Theo đó, có 02 hình thức kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ Ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước cụ thể:

    - Thanh toán trước, kiểm soát sau: Áp dụng với từng lần thanh toán của các hợp đồng thanh toán nhiều lần, trừ lần thanh toán cuối cùng

    - Kiểm soát trước, thanh toán sau: Áp dụng đối với tất cả các khoản chi, trong đó, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán theo đúng thời gian quy định tại Nghị định 11/2020/NĐ-CP sau khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ theo quy định.

    Hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước? (Hình từ Internet)

    Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát các nội dung gì?

    Tại Điều 5 Thông tư 17/2024/TT-BTC có quy định Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát các nội dung sau:

    (1) Trường hợp giao dịch trực tiếp qua Kho bạc Nhà nước, dấu và chữ ký trên chứng từ chuyển tiền khớp đúng với mẫu dấu và mẫu chữ ký đăng ký giao dịch tại Kho bạc Nhà nước; Trường hợp thực hiện qua Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước, việc ký số trên các chứng từ chuyển tiền phải đúng họ tên, chức danh các thành viên theo quyết định của cấp có thẩm quyền, đã thực hiện đăng ký với Kho bạc Nhà nước.

    (2) Nội dung chi phải phù hợp với mã nội dung kinh tế theo quy định của Mục lục NSNN hiện hành (không bao gồm các khoản chi từ Tài khoản tiền gửi).

    (3) Mức tạm ứng đảm bảo theo đúng quy định tại Điều 6 Thông tư 17/2024/TT-BTC. Nội dung đề nghị thanh toán tạm ứng phải phù hợp với nội dung đề nghị tạm ứng. Trường hợp đơn vị chưa xác định được chính xác nội dung chi, thực hiện tạm ứng vào tiểu mục khác của mục tương ứng với khoản chi, Kho bạc Nhà nước thanh toán tạm ứng trong phạm vi các tiểu mục trong cùng nhóm mục tương ứng với nội dung đã tạm ứng.

    (4) Đối với các khoản chi phải gửi Hợp đồng đến Kho bạc Nhà nước (khoản chi có giá trị hợp đồng trên 50 triệu đồng), Kho bạc Nhà nước căn cứ hồ sơ đề nghị thanh toán của đơn vị sử dụng ngân sách, các điều khoản thanh toán, tạm ứng được quy định trong hợp đồng và tổng giá trị Hợp đồng để tạm ứng, thanh toán cho đối tượng thụ hưởng.

    (5) Kiểm soát đối với Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành theo Mẫu số 08a ban hành kèm theo Phụ lục 2 Nghị định 11/2020/NĐ-CP

    (6) Kiểm soát đối với Bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Phụ lục 2 Nghị định 11/2020/NĐ-CP.

    (7) Đối với các khoản chi có yêu cầu bảo mật:

    Đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm trong việc xác định nội dung chi thuộc yêu cầu bảo mật và việc kiểm soát nội dung thanh toán, hồ sơ thanh toán theo đúng quy định của pháp luật. Trên Giấy rút dự toán/Ủy nhiệm chi đơn vị sử dụng ngân sách ghi nội dung thanh toán và nội dung sau: "Khoản chi có yêu cầu bảo mật". Kho bạc Nhà nước kiểm soát tính hợp pháp, hợp lệ của Giấy rút dự toán/Ủy nhiệm chi để thanh toán theo đề nghị của đơn vị.

    (8) Trường hợp phải thực hiện mua sắm theo phương thức tập trung: Kho bạc Nhà nước kiểm soát đảm bảo: Có trong danh mục mua sắm tập trung được cấp có thẩm quyền ban hành (theo quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật Đấu thầu 2023), đảm bảo hợp đồng phù hợp với Thỏa thuận khung (thỏa thuận khung được đơn vị mua sắm tập trung đăng tải theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 77 Nghị định 151/2017/NĐ-CP).

    Mức tạm ứng qua Kho bạc Nhà nước là bao nhiêu?

    Tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 17/2024/TT-BTC có quy định mức tạm ứng qua Kho bạc Nhà nước như sau:

    - Đối với những khoản chi có giá trị hợp đồng trên 50 triệu đồng, mức tạm ứng theo quy định tại hợp đồng đã ký kết của đơn vị sử dụng NSNN và nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

    Đơn vị sử dụng ngân sách được tạm ứng vốn một lần hoặc nhiều lần cho một hợp đồng nhưng tối đa không vượt quá 50% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết và không vượt quá dự toán năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho khoản chi đó, trừ trường hợp sau:

    + Đối với hàng hóa nhập khẩu, thiết bị chuyên dùng do đơn vị sử dụng ngân sách phải nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài (hoặc thông qua một đơn vị nhập khẩu ủy thác) phải mở thư tín dụng (L/C) tại ngân hàng và trong hợp đồng nhà cung cấp yêu cầu phải tạm ứng lớn hơn nhưng không vượt quá dự toán năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho khoản chi đó.

    + Đối với các trường hợp đặc thù khác có hướng dẫn riêng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, việc tạm ứng được thực hiện trong phạm vi dự toán được giao, theo hợp đồng ký kết giữa đơn vị sử dụng ngân sách và nhà cung cấp và theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

    - Đối với những khoản chi không có hợp đồng và những khoản chi có giá trị hợp đồng không vượt quá 50 triệu đồng:

    Mức tạm ứng theo đề nghị của đơn vị sử dụng ngân sách và trong phạm vi dự toán được giao.

    Đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm về mức đề nghị tạm ứng theo đúng quy định.

    Lưu ý: Thông tư 17/2024/TT-BTC có hiệu lực ngày 01/05/2024.

     

    saved-content
    unsaved-content
    316