Loading


Kết luận giám định tư pháp phải đáp ứng yêu cầu nào?

Việc tiến hành hoạt động giám định tư pháp trong tố tụng hình sự được quy định thế nào? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu?

Nội dung chính

    Kết luận giám định tư pháp phải đáp ứng yêu cầu nào?

    Yêu cầu đối với kết luận giám định trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 213 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó: 

    1. Kết luận giám định phải ghi rõ kết quả giám định đối với những nội dung đã được trưng cầu, yêu cầu và những nội dung khác theo quy định của Luật giám định tư pháp.

    2. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra kết luận giám định, tổ chức, cá nhân đã tiến hành giám định phải gửi kết luận giám định cho cơ quan đã trưng cầu, người yêu cầu giám định.

    Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kết luận giám định, cơ quan đã trưng cầu, người yêu cầu giám định phải gửi kết luận giám định cho Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.

    3. Để làm sáng tỏ nội dung kết luận giám định, cơ quan trưng cầu, người yêu cầu giám định có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân đã tiến hành giám định giải thích kết luận giám định; hỏi thêm người giám định về những tình tiết cần thiết.

    Liên quan đến vấn đề này, để bạn nắm rõ hơn, chúng tôi xin cung cấp thêm một số thông tin như sau:

    Theo quy định tại Điều 32 Luật Giám định tư pháp thì kết luận giám định tư pháp là nhận xét, đánh giá bằng văn bản của người giám định tư pháp về đối tượng giám định theo nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định

    Kết luận giám định tư pháp do giám định viên tư pháp hoặc tổ chức giám định tư pháp đưa ra kết luận, tuy nhiên nội dung giám định tư pháp cần có những nội dung cơ bản sau:

    - Họ, tên người thực hiện giám định; tổ chức thực hiện giám định;

    - Tên cơ quan tiến hành tố tụng; họ, tên người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định; số văn bản trưng cầu giám định hoặc họ, tên người yêu cầu giám định;

    - Thông tin xác định đối tượng giám định;

    - Thời gian nhận văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định;

     - Nội dung yêu cầu giám định;

    -  Phương pháp thực hiện giám định;

    -  Kết luận về đối tượng giám định;

    - Thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành việc giám định.

    Trong trường hợp trưng cầu, yêu cầu cá nhân thực hiện giám định thì chữ ký của người thực hiện giám định phải được chứng thực theo quy định của pháp luật về chứng thực.

    Trường hợp trưng cầu, yêu cầu tổ chức thực hiện giám định thì người đứng đầu tổ chức phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định và tổ chức được trưng cầu, yêu cầu chịu trách nhiệm về kết luận giám định.

    Trường hợp Hội đồng giám định thực hiện giám định thì người quyết định thành lập Hội đồng phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định và chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của Hội đồng giám định.

    Trong trường hợp việc giám định được thực hiện trước khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự, theo đúng trình tự, thủ tục do Luật Giám định tư pháp quy định thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể sử dụng kết luận giám định đó như kết luận giám định tư pháp. 

    Trên đây là nội dung tư vấn về yêu cầu đối với kết luận giám định trong tố tụng hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

    Trân trọng!

    saved-content
    unsaved-content
    146