Loading


Không cấp dưỡng hơn 05 tháng thì có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Đã hơn 05 tháng không cấp dưỡng thì có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Ai có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng? Có được yêu cầu cấp dưỡng cho con ngoài giá thú?

Nội dung chính

     

    Đã hơn 05 tháng không cấp dưỡng thì có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

    Tôi và chồng tôi đã ly dị được 01 năm. Tôi được quyền nuôi con và Tòa án ra quyết định chồng tôi phải cấp dưỡng hàng tháng cho con tôi và tôi do chồng tôi có điều kiện kinh tế hơn. Lúc đầu thì chồng tôi hàng tháng vẫn cấp dưỡng, Tuy nhiên đã 05 tháng nay chồng tôi không cấp dưỡng cho tôi và con nữa. Vậy Ban tư vấn cho tôi hỏi chồng đã 05 tháng không cấp dưỡng thì có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Chân thành cảm ơn!

    Trả lời: Theo quy định tại Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về phương thức cấp dưỡng:

    Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.

    Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

    ==> Như vậy, theo quy định trên đây thì việc cấp dưỡng có thể tạm ngừng nếu như bên cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Việc chồng bạn đã không cấp dưỡng cho bạn và con trong 05 tháng nay có thể là do chồng bạn lâm vào tình trạng kinh tế khó khăn, không thể cấp dưỡng. Có thể chồng bạn sẽ thỏa thuận với bạn về việc tạm ngưng cấp dưỡng một thời gian.

    Theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017

    Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

    ==> Nếu chồng bạn thực sự có điều kiện mà không thực hiện cấp dưỡng trong 05 tháng qua mà làm cho bạn và con bạn lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm theo Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017

    Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.

    Không cấp dưỡng hơn 05 tháng thì có phải chịu trách nhiệm hình sự không?(Hình ảnh Intenet)  

    Ai có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng?

    Mọi người hãy giải đáp giúp tôi thắc mắc sau đây: Ai có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng? Có văn bản pháp luật nào nói đến vấn đề này hay không? Mong sớm nhận được sự phản hồi. Xin cảm ơn!

    Trả lời: Pháp luật nước ta có quy định: Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

    Theo đó, tại Điều 119 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:

    - Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

    - Bên cạnh đó, những cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:

    + Người thân thích;

    + Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

    + Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

    + Hội liên hiệp phụ nữ.

    Ngoài ra, cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, trẻ em hoặc hội liên hiệp phụ nữ yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

    Trên đây là nội dung giải đáp về người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

    Có được yêu cầu cấp dưỡng cho con ngoài giá thú?

    Em và bạn trai đã chia tay vì lý do không hợp. Hiện tại, em đang có bầu ở tuần 30 và người ấy sắp cưới vợ. Do kinh tế anh ấy cũng khá hơn bên em nên em muốn đòi cấp dưỡng nuôi con. Em phải làm thủ tục gì?

    Trả lời: Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.

    Như vậy, để yêu cầu bạn trai thực hiện cấp dưỡng thì bạn cần chứng minh được bạn trai là cha của đứa bé. Theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì bạn có thể gửi đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người kia cư trú để đòi người kia thực hiện cấp dưỡng cho con.

    Về mức cấp dưỡng: Theo Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì mức cấp dưỡng do hai bên thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người cha và nhu cầu thiết yếu của đứa bé; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Mức cấp dưỡng không thể vượt quá 50% thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng.

    saved-content
    unsaved-content
    1
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ