Loading


Người đã có vợ con có phải tham gia nghĩa vụ quân sự không? Công dân được gọi nhập ngũ khi đáp ứng các điều kiện nào?

Công dân được gọi nhập ngũ khi đáp ứng các điều kiện nào? Người đã có vợ con có phải tham gia nghĩa vụ quân sự không? Người đào ngũ khi đang đi nghĩa vụ quân sự có bị đi tù không?

Nội dung chính

    Công dân được gọi nhập ngũ khi đáp ứng các điều kiện nào?

    Căn cứ Điều 31 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định tiêu chuẩn công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân:

    Tiêu chuẩn công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

    1. Công dân được gọi nhập ngũ khi có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

    a) Lý lịch rõ ràng;

    b) Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

    c) Đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định;

    d) Có trình độ văn hóa phù hợp.

    2. Tiêu chuẩn công dân được gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo quy định tại Điều 7 của Luật Công an nhân dân.

    Như vậy, công dân được gọi nhập ngũ khi có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

    - Lý lịch rõ ràng;

    - Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

    - Đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định;

    - Có trình độ văn hóa phù hợp.

    Công dân có vợ con rồi thì có phải tham gia nghĩa vụ quân sự không? (Hình từ Internet)

    Công dân có vợ con rồi thì có phải tham gia nghĩa vụ quân sự không?

    Căn cứ theo Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 được bổ sung bởi điểm c khoản 1 Điều 49 Luật Dân quân tự vệ 2019 quy định về các trường hợp được tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ cụ thể như sau:

    Đối với trường hợp tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:

    - Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe;

    - Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động.

    - Trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.

    - Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.

    - Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

    - Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 03 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định.

    - Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.

    - Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

    - Đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.

    - Dân quân thường trực.

    Đối với trường hợp miễn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:

    - Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một.

    - Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ.

    - Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.

    - Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân.

    - Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.

    Theo đó, trường hợp có vợ con cũng không phải thuộc một trong những trường hợp được tạm hoãn hay miễn nhập ngũ. Nếu công dân còn trong độ tuổi thì vẫn thuộc đối tượng phải đi nghĩa vụ quân sự theo quy định.

    Do đó, trường hợp công dân đã có vợ có con thì vẫn có thể phải đi nghĩa vụ quân sự nếu không thuộc trường hợp được miễn hoặc tạm hoãn nghĩa vụ quân sự và đáp ứng điều kiện gọi nhập ngũ.

    Người đào ngũ khi đang đi nghĩa vụ quân sự có bị đi tù không?

    Căn cứ theo Điều 402 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội đào ngũ cụ thể như sau:

    Tội đào ngũ

    1. Người nào rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ trong thời chiến hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

    a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;

    b) Lôi kéo người khác phạm tội;

    c) Mang theo, vứt bỏ vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hoặc tài liệu bí mật quân sự;

    d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

    a) Trong chiến đấu;

    b) Trong khu vực có chiến sự;

    c) Trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn;

    d) Trong tình trạng khẩn cấp;

    đ) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

    Theo đó, đối với trường hợp khi đang đi nghĩa vụ quân sự người có hành vi rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ trong thời chiến hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đào ngũ.

    Người phạm tội đào ngũ có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 12 năm tùy vào tính chất, mức độ và hành vi phạm tội.

    saved-content
    unsaved-content
    23
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ