Loading

10:47 - 14/12/2024

Quốc hội đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Quốc hội đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Chủ trương đầu tư là gì? Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong trường hợp nào?

Nội dung chính

    Quốc hội đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

    Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 174/2024/QH15 về Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

    Trong đó, căn cứ Mục 11 Nghị quyết 174/2024/QH15, Quốc hội đã quyết nghị đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành như sau:

    11. Đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cụ thể:
    a) Điều chỉnh quy mô, thời gian thực hiện Giai đoạn 1 quy định tại khoản 6 Điều 2 của Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội như sau: “Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 02 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 01 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 năm 2026 hoàn thành và đưa vào khai thác”. Cho phép Chính phủ tổ chức phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Giai đoạn 1 của Dự án theo thẩm quyền mà không phải báo cáo Quốc hội thông qua. Các nội dung khác tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội;

    b) Điều chỉnh quy mô Giai đoạn 1 quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết số 95/2019/QH14 ngày 26 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội như sau: “Đầu tư xây dựng 02 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 01 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm”. Các nội dung khác tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 95/2019/QH14 của Quốc hội.

    Như vậy, thông qua Nghị quyết, Quốc hội đã đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành như trên.

    Quốc hội đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

    Quốc hội đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Hình từ Internet)

    Chủ trương đầu tư là gì? Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong trường hợp nào?

    Căn cứ quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật Đầu tư công 2019 thì chủ trương đầu tư là quyết định của cấp có thẩm quyền về những nội dung chủ yếu của chương trình, dự án đầu tư, làm căn cứ để lập, trình và phê duyệt quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư, quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư công.

    Đồng thời, khoản 1 Điều 17 Luật Đầu tư công 2019 quy định:

    Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án
    1. Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sau đây:
    a) Chương trình mục tiêu quốc gia;
    b) Dự án quan trọng quốc gia.
    ...

    Như vậy, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với các chương trình, dự án nêu trên.

    Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong đầu tư công?

    Điều 16 Luật Đầu tư công 2019 quy định:

    Các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công
    1. Quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
    2. Quyết định đầu tư chương trình, dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc không đúng với các nội dung về mục tiêu, phạm vi, quy mô, vượt tổng vốn đầu tư của chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư của chương trình, tổng mức đầu tư của dự án trái với quy định của pháp luật về đầu tư công.
    3. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
    4. Chủ chương trình, chủ đầu tư thông đồng với tổ chức tư vấn, nhà thầu dẫn tới quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên của quốc gia; làm tổn hại, xâm phạm lợi ích hợp pháp của công dân và của cộng đồng.
    5. Đưa, nhận, môi giới hối lộ.
    6. Yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt, gây nợ đọng xây dựng cơ bản.
    7. Sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật.
    8. Làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu, liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án.
    9. Cố ý báo cáo, cung cấp thông tin không đúng, không trung thực, không khách quan ảnh hưởng đến việc lập, thẩm định, quyết định kế hoạch, chương trình, dự án, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án.
    10. Cố ý hủy hoại, lừa dối, che giấu hoặc lưu giữ không đầy đủ tài liệu, chứng từ, hồ sơ liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án.
    11. Cản trở việc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư công.

    Như vậy, có 11 hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công như trên.

    Nghị quyết 174/2024/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 30/11/2024.

    saved-content
    unsaved-content
    42