Thành lập và giải thể một số Tòa án nhân dân Viện kiểm sát nhân dân tại thành phố Huế từ năm 2025?
Nội dung chính
Thành lập và giải thể một số Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tại thành phố Huế từ năm 2025?
Ngày 30/11/2024, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 1314/2024/QH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023 - 2025.
Trong đó, căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị quyết 1314/2024/QH15, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết nghị về việc thành lập, giải thể Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện của thành phố Huế như sau:
(1) Giải thể Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
(2) Thành lập Tòa án nhân dân quận Thuận Hóa, Tòa án nhân dân quận Phú Xuân.
Tòa án nhân dân quận Thuận Hóa, Tòa án nhân dân quận Phú Xuân có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế theo quy định của pháp luật.
(3) Thành lập Viện kiểm sát nhân dân quận Thuận Hóa, Viện kiểm sát nhân dân quận Phú Xuân.
Viện kiểm sát nhân dân quận Thuận Hóa, Viện kiểm sát nhân dân quận Phú Xuân có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế theo quy định của pháp luật.
(4) Thành lập Tòa án nhân dân thị xã Phong Điền trên cơ sở kế thừa Tòa án nhân dân huyện Phong Điền.
(5) Thành lập Viện kiểm sát nhân dân thị xã Phong Điền trên cơ sở kế thừa Viện kiểm sát nhân dân huyện Phong Điền.
(6) Giải thể Tòa án nhân dân huyện Nam Đông, Viện kiểm sát nhân dân huyện Nam Đông.
(7) Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Lộc có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân huyện Nam Đông theo quy định của pháp luật.
Thành lập và giải thể một số Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tại thành phố Huế từ năm 2025?
Tòa án nhân dân là gì? Nhiệm vụ và quyền hạn của Tòa án nhân dân như thế nào?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 thì tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.
Đồng thời, Điều 3 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân
1. Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật, về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
2. Khi thực hiện quyền tư pháp, Tòa án nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Xét xử, giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự (gồm vụ án dân sự và việc dân sự), vụ việc phá sản và vụ án, vụ việc khác theo quy định của pháp luật;
b) Giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật;
c) Quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật;
d) Phát hiện, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của luật;
đ) Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;
e) Tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; phát triển án lệ;
g) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về thi hành án theo quy định của luật;
h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Tòa án nhân dân có các nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định trên.
Nghị quyết 1314/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2025.
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.