Loading


Trong trường hợp nào thì người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự có thể thực hiện giao dịch dân sự?

Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự được thực hiện giao dịch dân sự nào? Người khuyết tật có phải là người mất năng lực hành vi dân sự không? Ai là người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự?

Nội dung chính

    Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự được thực hiện giao dịch dân sự nào?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 24 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

    Hạn chế năng lực hành vi dân sự

    ...

    2. Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.

    ...

    Căn cứ theo Điều 125 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

    Điều 125. Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện

    1. Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

    2. Giao dịch dân sự của người quy định tại khoản 1 Điều này không bị vô hiệu trong trường hợp sau đây:

    a) Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;

    b) Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;

    c) Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.

    Theo đó, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự không được thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người đó mà phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.

    Tuy nhiên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự vẫn có thể tự thực hiện các giao dịch dân sự dưới đây mà không bị vô hiệu:

    - Giao dịch dân sự nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người đó;

    - Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;

    - Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.

    Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự được thực hiện giao dịch dân sự khi nào? (Hình từ Internet)

    Người khuyết tật có phải là người mất năng lực hành vi dân sự không?

    Đầu tiên, tại Điều 19 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về năng lực hành vi dân sự của cá nhân như sau:

    Năng lực hành vi dân sự của cá nhân

    Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

    Ngoài ra, tại Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 cũng có quy định về định nghĩa mất năng lực hành vi dân sự cụ thể như sau:

    Mất năng lực hành vi dân sự

    1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

    Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

    2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

    Như vậy, người bị mất năng lực hành vi dân sự được cho là bị tâm thần hoặc không thể nhận thức, làm chủ hành vi.

    Do đó, đối với trường hợp người khuyết tật không hẳn là người mất năng lực hành vi dân sự. Bởi trên thực tế, người khuyết tật vẫn là người có khả năng nhận thức bằng hành vi của mình.

    Ai là người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự?

    Tại Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự. Theo đó:

    Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
     
    Trong trường hợp không có người giám hộ thì những người sau đây sẽ trở thành người giám hộ đương nhiên.

    - Trường hợp 1:

    + Vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ;

    + Chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

    - Trường hợp 2:

    Cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ;

    Trường hợp người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.

    - Trường hợp 3:

    Người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

    saved-content
    unsaved-content
    69