Loading


Từ 22/8/2023, Sở Công Thương sẽ có chức năng quản lý dịch vụ logistics như thế nào?

Có phải Sở Công thương không còn giữ nhiệm vụ kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của tỉnh và đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện xây dựng trên địa bàn?

Nội dung chính

    Từ 22/8/2023 Sở Công Thương sẽ có chức năng quản lý dịch vụ logistics như thế nào? 

    Ngày 30/6/2023, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 15/2023/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Công Thương.

    Theo đó, tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 04/2022/TT-BCT có quy định về vị trí chức năng của Sở Công thương như sau:

    Vị trí và chức năng

    1. Sở Công Thương là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về công thương, bao gồm các ngành và lĩnh vực: cơ khí; luyện kim; điện; năng lượng mới; năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; dầu khí (nếu có); hoá chất; vật liệu nổ công nghiệp; công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản (trừ vật liệu xây dựng thông thường); công nghiệp tiêu dùng; công nghiệp thực phẩm; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp môi trường; công nghiệp chế biến khác; tiểu thủ công nghiệp; khuyến công; hoạt động thương mại và lưu thông hàng hoá trên địa bàn; sản xuất và tiêu dùng bền vững; xuất khẩu, nhập khẩu; thương mại biên giới (đối với các tỉnh có biên giới); xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; quản lý cạnh tranh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; phòng vệ thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế; quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn.

    ...

    Tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BCT có quy định sửa đổi về chức năng của Sở Công thương như sau:

    Sửa đổi bổ sung khoản 1 Điều 1 như sau:

    "Sở Công Thương là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về công thương, bao gồm các ngành và lĩnh vực: cơ khí; luyện kim; điện; năng lượng mới; năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; dầu khí (nếu có); hoá chất; vật liệu nổ công nghiệp; công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản (trừ vật liệu xây dựng thông thường và sản xuất xi măng); công nghiệp tiêu dùng; công nghiệp thực phẩm; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp môi trường; công nghiệp chế biến khác; tiểu thủ công nghiệp; khuyến công; hoạt động thương mại và lưu thông hàng hoá trên địa bàn; sản xuất và tiêu dùng bền vững; xuất khẩu, nhập khẩu; thương mại biên giới (đối với các tỉnh có biên giới); dịch vụ logistics; xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; quản lý cạnh tranh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; phòng vệ thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế; quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn.”

    Như vậy, từ ngày 22/8/2023, Sở Công thương có thêm 01 chức năng quản lý mới là quản lý dịch vụ logistics. Đồng thời loại trừ ngành sản xuất xi măng khỏi chức năng quản lý của Sở Công thương.

     

    Sở Công thương sẽ có chức năng quản lý dịch vụ logistics từ 22/8/2023? (Hình ảnh từ Internet)

    Từ ngày 22/8/2023, Sở Công thương có nhiệm vụ gì đối với dịch vụ logistics?

    Tại khoản 5 Điều 2 Thông tư 04/2022/TT-BCT được bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BCT có quy định từ ngày 22/8/2023 đối với dịch vụ logistics, Sở Công thương có nhiệm vụ sau:

    - Chủ trì, phối hợp tham mưu xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, phương án phát triển dịch vụ logistics và chương trình, đề án phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh

    - Điều phối, hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics và nâng cao năng lực doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh

    - Tuyên truyền, phổ biến, phát triển thị trường, kết nối doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

    Có phải Sở Công thương không còn giữ nhiệm vụ kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của tỉnh và đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện xây dựng trên địa bàn?

    Tại điểm g khoản 4 Điều 2 Thông tư 04/2022/TT-BCT có quy định về nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

    Nhiệm vụ và quyền hạn

    ...

    4. Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp:

    g) Về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện thuộc phạm vi quản lý:

    Thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt: Quy trình vận hành đơn hồ thủy điện; Phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện; Phương án ứng phó tình huống khẩn cấp;

    Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng kiểm tra, đánh giá an toàn các công trình đập, hồ chứa thủy điện trước mùa mưa bão;

    Kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của tỉnh và đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

    Tiếp nhận kê khai đăng ký an toàn đập, hồ chứa thủy điện; tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu về thông số kỹ thuật, thông tin quản lý đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn; báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Công Thương;

    Tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

    Báo cáo kết quả tổng hợp thực hiện quy trình vận hành hồ chứa thủy điện trên địa bàn, gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Công Thương.

    Tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BCT có sửa đổi nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

    5.Bãi bỏ đoạn 3 điểm g khoản 4 Điều 2.

    Như vậy, từ ngày 22/8/2023, Sở Công thương sẽ không giữ chức năng kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của tỉnh và đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện xây dựng trên địa bàn.

     

    saved-content
    unsaved-content
    24
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ