Loading


Báo cáo số 236/BC-UBTVQH12 về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Số hiệu 236/BC-UBTVQH12
Ngày ban hành 13/06/2009
Ngày có hiệu lực 13/06/2009
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Uông Chu Lưu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 236/BC-UBTVQH12

Hà Nội, ngày 13 tháng 06 năm 2009

 

BÁO CÁO

GIẢI TRÌNH TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Ngày 21/5/2009, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật bồi thường nhà nước. Đã có 22 đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật và 02 đại biểu Quốc hội góp ý bằng văn bản. Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội tán thành với những nội dung tiếp thu, chỉnh lý được thể hiện trong dự thảo Luật và Báo cáo giải trình số 220/BC-UBTVQH12 ngày 07/5/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đồng thời góp ý về nhiều điều, khoản cụ thể của dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan trình dự án Luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua.

Ủy ban thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước như sau:

1. Tên gọi và phạm vi điều chỉnh

- Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành tên gọi của Luật là Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn đề nghị giữ tên gọi của dự thảo Luật là Luật bồi thường nhà nước.

Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, dù tên gọi là Luật bồi thường nhà nước hay Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì dự thảo Luật đều phải quy định các vấn đề trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, quyền được bồi thường của người bị thiệt hại, thủ tục giải quyết bồi thường, kinh phí bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ. Tại kỳ họp thứ 4, nhiều vị đại biểu Quốc hội cho rằng, tên gọi “Luật bồi thường nhà nước” là chưa thể hiện rõ được trách nhiệm của Nhà nước. Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho lấy tên gọi là Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Tên gọi như vậy là rõ ràng, dễ hiểu, xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước và phù hợp với ngôn ngữ tiếng Việt.

- Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, nhìn chung các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành như dự thảo Luật. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị cần quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong cả lĩnh vực xây dựng pháp luật.

Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là vấn đề đã được đặt ra trong quá trình soạn thảo, thẩm tra dự án Luật này, cũng như khi xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ý kiến chung của các cơ quan đều cho rằng, xây dựng pháp luật là hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền định ra các quy tắc xử sự chung và có hiệu lực bắt buộc đối với mọi tổ chức, cá nhân trong những quan hệ xã hội nhất định. Hoạt động này tác động đến mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội trên phạm vi cả nước hoặc từng địa phương hoặc đối với một số đối tượng nhất định chứ không phải đối với từng cá nhân, tổ chức cụ thể. Việc xác định một văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật có thể gây thiệt hại đã có cơ chế kiểm tra, giám sát để xử lý theo quy định của pháp luật. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật.

2. Thời hiệu yêu cầu bồi thường (Điều 5) và căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường (Điều 6)

- Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tăng thời hiệu yêu cầu bồi thường lên 3 năm như quy định tại Nghị quyết số 388/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (gọi tắt là Nghị quyết số 388) hoặc có thể là 4 hoặc 5 năm.

Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, thời hiệu yêu cầu bồi thường được quy định tại Điều 19 của Nghị quyết số 388 của Ủy ban thường vụ Quốc hội là 2 năm. Thời hiệu này cũng thống nhất với thời hiệu khởi kiện quy định tại Điều 159 của Bộ luật tố tụng dân sự. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ thời hiệu yêu cầu bồi thường là 2 năm như dự thảo Luật.

- Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quy định Nhà nước không bồi thường thiệt hại do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết tại điểm c khoản 3 Điều 6.

Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, người thi hành công vụ hành động trong tình thế cấp thiết hoặc do sự kiện bất khả kháng dù gây thiệt hại nhưng không phải là hành vi trái pháp luật nên không thuộc trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định trong Luật này. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nếu thiệt hại xảy ra thì Nhà nước vẫn có cơ chế hỗ trợ cho người bị thiệt hại. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

3. Nguyên tắc giải quyết bồi thường (Điều 7)

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung nguyên tắc trường hợp thương lượng không thành thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện tại Tòa án.

Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật đã xác định thương lượng và quyền khởi kiện của người bị thiệt hại trong việc giải quyết bồi thường là thủ tục bắt buộc quy định tại Điều 21 của dự thảo Luật. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho không bổ sung nội dung này vào Điều 7 về nguyên tắc giải quyết bồi thường.

4. Trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bồi thường (Điều 11)

- Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ Điều 11 vì không cần thiết; ý kiến khác lại đề nghị quy định “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bồi thường” vì thực chất, những quy định tại Điều này đều là nội dung quản lý nhà nước. Hơn nữa, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử không phải là hoạt động tố tụng, do đó Chính phủ có trách nhiệm thống nhất quản lý đối với hoạt động này. Có ý kiến cho rằng, bồi thường trong hoạt động điều tra sẽ không có cơ quan quản lý vì Chính phủ chỉ quản lý bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án, còn Tòa án và Viện kiểm sát thì không thể quản lý việc bồi thường trong hoạt động điều tra.

Về vấn đề này, tại Báo cáo số 220/UBVQH12 ngày 07/5/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã giải trình cụ thể. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo thêm như sau: trách nhiệm bồi thường của Nhà nước luôn gắn với hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước với chức năng, nhiệm vụ khác nhau; không phải là vấn đề quản lý ngành, lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn lĩnh vực tài chính, tài nguyên môi trường, công thương hay xét xử... mà là hệ quả phát sinh bởi các hoạt động trong các ngành, lĩnh vực này. Vì thế cần phải quy định cho phù hợp. Thực tế cho thấy, trong một số hoạt động như tương trợ tư pháp, đặc xá,… cũng có những quy định tương tự.

Về hoạt động điều tra, đây là một khâu quan trọng trong hoạt động tố tụng. Việc quản lý công tác bồi thường trong hoạt động điều tra không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn có trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; không chỉ do Viện kiểm sát cũng có cơ quan điều tra, mà những vấn đề liên quan đến hoạt động quản lý công tác này, chẳng hạn việc tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo trong các khâu điều tra, truy tố, xét xử đều có thể có những vấn đề liên quan đến nhau, đến trách nhiệm phải bồi thường cần được các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp làm rõ. Vì vậy, việc quy định Chính phủ có trách nhiệm “phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quản lý công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng” (điểm b khoản 1 Điều 11) là hợp lý. Quy định này cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 388, Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC ngày 22/11/2006 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và chỉ đạo của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương.

Đối với trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tuy không phải là hoạt động tố tụng nhưng lại phát sinh và gắn liền với hoạt động tố tụng. Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước không chỉ đơn giản là bồi thường cho người bị thiệt hại mà còn gắn với trách nhiệm của người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật và trách nhiệm của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ đó, với công tác quản lý cán bộ, xử lý kỷ luật,… Vì vậy, nếu không quy định trách nhiệm của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân trong quản lý về công tác bồi thường thì sẽ không đạt được mục đích nhằm góp phần nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền tố tụng và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Qua nghiên cứu tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, sau khi thống nhất với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện Bộ Công an, cơ quan soạn thảo và Thường trực Ủy ban pháp luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan chỉnh lý Điều 11 như dự thảo Luật trình Quốc hội.

5. Phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính (Điều 13)

- Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ khoản 12 Điều 13 của dự thảo Luật hoặc sửa khoản này theo hướng “Trường hợp khác theo hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao” để có thể mở rộng các trường hợp được bồi thường khác.

Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, khoản 12 quy định “những trường hợp được bồi thường khác do pháp luật quy định” được hiểu là, ngoài những trường hợp cụ thể quy định tại Điều 13 của dự thảo Luật, nếu trong các văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định về trường hợp được bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra thì việc bồi thường cũng được áp dụng theo quy định của Luật này. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ