Loading


Chỉ thị 29-CT/TW năm 2024 công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xoá mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 29-CT/TW
Ngày ban hành 05/01/2024
Ngày có hiệu lực 05/01/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Trương Thị Mai
Lĩnh vực Giáo dục

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 29-CT/TW

Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2024

 

CHỈ THỊ

CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
VỀ CÔNG TÁC PHỔ CẬP GIÁO DỤC, GIÁO DỤC BẮT BUỘC, XOÁ MÙ CHỮ CHO NGƯỜI LỚN VÀ ĐẨY MẠNH PHÂN LUỒNG HỌC SINH TRONG GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xoá mù chữ cho người lớn đã đạt được kết quả quan trọng. Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho phổ cập giáo dục, đặc biệt là ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, một số nơi có điều kiện tiến hành phổ cập giáo dục trung học. Công tác xoá mù chữ cho người lớn có chuyển biến tích cực, khuyến khích người mới biết chữ tiếp tục học tập để không tái mù chữ. Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở được quan tâm hơn, tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp trung học lựa chọn hướng đi phù hợp, tiếp cận nghề nghiệp và học tập suốt đời.

Tuy nhiên, việc thể chế hoá, tổ chức thực hiện Chỉ thị chưa đồng bộ, tỉ lệ trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non còn thấp; một số địa phương chưa quan tâm phát triển trường, lớp mầm non; chất lượng phổ cập giáo dục chưa thật vững chắc, chênh lệch giữa các vùng, miền còn lớn; nhận thức về giáo dục nghề nghiệp chưa đầy đủ, mục tiêu phân luồng học sinh sau trung học cơ sở chưa đạt yêu cầu; một số nơi kết quả xoá mù chữ cho người lớn chưa bền vững, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; mạng lưới trường, lớp chưa đáp ứng được nhu cầu học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học có xu hướng tăng, chưa được giải quyết triệt để, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên dạy môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông.

Để nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xoá mù chữ cho người lớn và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện, bảo đảm cho mọi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ học tập, hoàn thành phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc; chú trọng trang bị kiến thức và kỹ năng thiết yếu cho người mới biết chữ, duy trì và nâng cao tính bền vững đối với kết quả xoá mù chữ cho người lớn, chú trọng xoá mù chữ chức năng; tăng cường tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh, có cơ hội tiếp tục học tập; tạo điều kiện cho người trong độ tuổi lao động có thể tự tạo việc làm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, thích ứng với những thay đổi của xã hội; đồng thời, phát triển hệ thống giáo dục mở để tạo cơ hội học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, cân đối cơ cấu ngành nghề, phát triển giáo dục gắn với kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

Đa dạng hoá công tác tuyên truyền, vận động thông qua các hình thức thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, nhất là đối với người học và gia đình; tăng cường sự tham gia của các cơ quan truyền thông đại chúng và phát huy ưu thế của tuyên truyền miệng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội, Internet. Kịp thời biểu dương, nhân rộng các mô hình học tập tiêu biểu, địa phương làm tốt.

2. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo sự đồng bộ, liên thông, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xoá mù chữ cho người lớn và phân luồng học sinh sau trung học đáp ứng yêu cầu đề ra.

Chú trọng chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp; có chính sách tháo gỡ việc phát triển mạng lưới trường, lớp dân lập, tư thục; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xoá mù chữ cho người lớn ở địa bàn khó khăn, kết quả chưa vững chắc; hỗ trợ học nghề, tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông lựa chọn chương trình giáo dục phù hợp, được thuận lợi trong chuyển đổi giữa các chương trình giáo dục, học thường xuyên, học suốt đời, liên thông giữa các trình độ đào tạo giáo dục nghề nghiệp và cấp học cao hơn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, khai thác có hiệu quả tài nguyên giáo dục mở góp phần phát triển nguồn nhân lực bền vững, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.

3. Đổi mới căn bản, toàn diện nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, dân chủ hoá, tiếp cận dần chuẩn các nước tiên tiến. Chú trọng việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất, tư tưởng, đạo đức, năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên. Nâng cao chất lượng cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục gắn với quy hoạch nhân lực ngành Giáo dục. Tập trung đầu tư phát triển một số trường đại học sư phạm trọng điểm, hình thành một số trường sư phạm vệ tinh làm nòng cốt trong đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chất lượng cao. Thực hiện tốt việc liên kết giữa trường sư phạm với địa phương trong xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các cấp học, bảo đảm đủ số lượng, cân đối về cơ cấu, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, sớm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên.

Tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thu hút, bảo đảm điều kiện cần thiết để giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ; có chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cơ sở giáo dục chuyên biệt.

4. Nâng cao vai trò chủ đạo, trách nhiệm quản lý nhà nước, bảo đảm tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường nguồn lực, bảo đảm ngân sách để hoàn thành các mục tiêu về phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xoá mù chữ, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, ưu tiên phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo từ Trung ương đến cơ sở; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm.

Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bảo đảm điều kiện cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá gắn với quy hoạch hệ thống giáo dục quốc dân, quy hoạch quốc gia, ngành, lãnh thổ. Đặc biệt quan tâm phát triển mạng lưới trường, điểm trường, lớp học; trường dân tộc nội trú, lớp nội trú dân nuôi, lớp bán trú ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Đẩy mạnh xã hội hoá, tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư xây dựng trường, lớp, nhất là trường mầm non, nhà trẻ ngoài công lập tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

5. Tổ chức thực hiện

- Các tỉnh ủy, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm phổ biến, quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị.

- Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện văn bản pháp luật có liên quan; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xoá mù chữ cho người lớn và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.

- Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng mục tiêu cụ thể đến năm 2030; chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị.

- Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, hội quần chúng tăng cường công tác vận động, tuyên truyền Nhân dân; nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị.

- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chỉ thị, định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.

 

 

Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng,
đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Ban Bí thư Trung ương
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên
Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Trương Thị Mai

 

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ