Loading


Chỉ thị 32-CT/TW năm 2024 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 32-CT/TW
Ngày ban hành 10/04/2024
Ngày có hiệu lực 10/04/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Trương Thị Mai
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 32-CT/TW

Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2024

 

CHỈ THỊ

CỦA BAN BÍ THƯ

VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC CHỐNG KHAI THÁC THUỶ SẢN BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO, KHÔNG THEO QUY ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGÀNH THUỶ SẢN

Những năm qua, ngành thuỷ sản tiếp tục phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tổng sản lượng hằng năm đạt trên 9 triệu tấn, đóng góp khoảng 30% GDP của ngành nông nghiệp; sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu đến 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ ba thế giới; giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Từ năm 2017 đến nay, các cấp, các ngành, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; xây dựng hệ thống theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, giảm dần số vụ vi phạm.

Tuy nhiên, phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam chưa bền vững, chưa gỡ được cảnh báo "Thẻ vàng" của Uỷ ban Châu Âu, chưa tuân thủ đầy đủ quy định chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Việc triển khai hệ thống quản lý, giám sát toàn diện đội tàu; cập nhật cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia; truy xuất nguồn gốc thuỷ sản; xây dựng chuỗi sản xuất thuỷ sản liên kết giữa ngư dân, doanh nghiệp và chính quyền; xử lý vi phạm còn hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên là do một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ, chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, còn chủ quan, buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, hiệu quả tổ chức thực hiện chưa cao; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận ngư dân, doanh nghiệp còn hạn chế; cơ sở hạ tầng nghề cá và việc kiểm soát hoạt động tàu cá, sản lượng khai thác, truy xuất nguồn gốc chưa đáp ứng yêu cầu; một bộ phận tàu cá chưa bảo đảm điều kiện cần thiết; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, phối hợp, phát hiện, xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa thường xuyên, đồng bộ.

Để đẩy mạnh công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, bảo đảm phát triển bền vững ngành thuỷ sản, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách sau:

1. Xác định công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thuỷ sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu ở ngành, địa phương có trách nhiệm trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" trong năm 2024 và duy trì kết quả bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo; tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, vị thế của Việt Nam với quốc tế.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân ven biển, hải đảo về phát triển bền vững ngành thuỷ sản, chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Chú trọng công tác vận động, nắm tình hình, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay từ trong bờ tàu cá và ngư dân cố ý vi phạm, nhất là khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng, các cơ quan báo chí trong công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật, kịp thời phản ánh vi phạm, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật về chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp góp phần sớm gỡ bỏ cảnh báo "Thẻ vàng" theo mục tiêu đề ra.

2. Thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các quy hoạch, chiến lược, chương trình quốc gia liên quan đến phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ngành thuỷ sản. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật, bổ sung chế tài xử lý nghiêm vi phạm; khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Chú trọng chính sách nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, bảo quản, chế biến phục vụ xuất khẩu; có chính sách hỗ trợ hiện đại hoá nghề cá, cải thiện sinh kế, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển, nâng cao cuộc sống.

3. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; bảo đảm công cụ, phương tiện phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các lực lượng chấp pháp trên biển. Tổng rà soát, thống kê số lượng tàu cá và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia; tăng cường quản lý tàu cá, tàu công vụ thuỷ sản, cảng cá, đội tàu, xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá không giấy phép, không đăng ký, không đăng kiểm; thực hiện nghiêm việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác. Bảo đảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản trên các vùng biển; giám sát được 100% sản lượng thuỷ sản khai thác trên biển, tại cảng; không có sản phẩm thuỷ sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài.

Kiện toàn, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm cho lực lượng Kiểm ngư và các cơ quan chức năng quản lý hoạt động thuỷ sản, thực hiện công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, thực thi pháp luật, xử lý triệt để các hành vi vi phạm; kịp thời điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hoá hồ sơ đối với các lô hàng xuất khẩu; tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát.

Quan tâm đầu tư nguồn lực nhà nước; khuyến khích xã hội hoá, hợp tác công tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng thuỷ sản. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong nuôi trồng, khai thác thuỷ sản, thiết lập chuỗi sản xuất bền vững, hệ sinh thái toàn diện, tạo môi trường thuận lợi cho ngành thuỷ sản phát triển lâu dài, có uy tín, khả năng cạnh tranh cao, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thích ứng biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường. Đồng thời, chú trọng bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản; phát triển ngành thuỷ sản phải gắn với bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân và người lao động có liên quan; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

4. Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, nhất là với các nước Châu Âu và EU, tăng cường biện pháp ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của các bên liên quan để sớm gỡ cảnh báo "Thẻ vàng"; không để tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài ảnh hưởng đến quan hệ với các nước. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước thu thập hồ sơ, tài liệu, bản án, quyết định xử lý của nước sở tại đối với tàu cá, ngư dân vi phạm để phục vụ công tác điều tra, xử lý và bảo hộ công dân; kịp thời đấu tranh ngoại giao đối với việc tàu cá, ngư dân Việt Nam không vi phạm khai thác bất hợp pháp bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử lý tại những vùng biển chồng lấn, tranh chấp, chưa phân định với các nước. Thúc đẩy đàm phán, ký kết phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa Việt Nam và các nước.

5. Tổ chức thực hiện

- Các tỉnh uỷ, thành uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương có liên quan tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị này tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện; tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát, khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.

- Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về thuỷ sản, bảo đảm thống nhất, đồng bộ và giám sát việc thực hiện Chỉ thị.

- Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch, bố trí nguồn lực thực hiện; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Chỉ thị.

- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền Chỉ thị.

- Ban Dân vận Trung ương, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, Nhân dân nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm Chỉ thị; thông tin, phản ánh các trường hợp vi phạm khai thác thuỷ sản bất hợp pháp; nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị.

- Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan trong tổ chức thực hiện Chỉ thị.

- Ban cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, các cơ quan có liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Ban Bí thư kết quả thực hiện Chỉ thị này.

Chỉ thị này phổ biến, quán triệt đến chi bộ.

 

 

Nơi nhận:
- Các tỉnh uỷ, thành uỷ,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn,
đảng uỷ trực thuộc Trung ương,
- Ban Bí thư Trung ương
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,
- Các đảng uỷ đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Uỷ viên
Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.

T/M BAN BÍ THƯ




Trương Thị Mai

 

1