Loading


Chỉ thị 38-CT/TW năm 1994 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em do Ban Bí thư ban hành

Số hiệu 38-CT/TW
Ngày ban hành 30/05/1994
Ngày có hiệu lực 30/05/1994
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Ban Bí thư
Người ký Đào Duy Tùng
Lĩnh vực Giáo dục,Thể thao - Y tế

BAN BÍ THƯ
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 38-CT/TW

Hà Nội, ngày 30 tháng 5 năm 1994

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM

Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, các luật và Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em 1991-2000, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở nước ta những năm qua đã có tiến bộ đáng kể.

Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi giảm nhanh. Số trẻ em trong độ tuổi vào học các trường mẫu giáo, tiểu học và phổ thông năm học 1993-1994 tăng khá so với năm học trước. Việc chăm sóc, tạo điều kiện phát triển cho trẻ có năng khiếu được thực hiện tốt hơn. Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật, trẻ em lang thang cơ nhỡ bước đầu được giúp đỡ. Ngân sách đầu tư cho trẻ em từ các nguồn ngày càng tăng. Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em các cấp đã hình thành. Việc xã hội hóa công tác chăm sóc trẻ em được chú ý. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em được tăng cường và có hiệu quả.

Tuy nhiên, tình hình trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc, và giáo dục trẻ em còn nhiều vấn đề bức xúc cần được giải quyết.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi còn cao. Còn hơn 2 triệu trẻ em thất học, số trẻ em chưa hoàn thành cấp tiểu học còn lớn. Điều kiện chăm sóc sức khỏe, học tập, vui chơi, rèn luyện thể lực của trẻ em còn nghèo nàn, nhất là ở vùng cao, vùng sâu.

Đạo đức, nếp sống ở một số trẻ thiếu lành mạnh. Số trẻ em lang thang kiếm sống, lao động làm thuê ở các đô thị, trẻ em gái bị lợi dụng tình dục, trẻ em phạm pháp có chiều hướng tăng. Một số hiện tượng người lớn ngược đãi, lợi dụng trẻ em chưa được xử lý nghiêm minh.

Nguyên nhân của tình hình trên một phần do kinh tế chậm phát triển, dân số tăng nhanh. Song, chủ yếu là do một số cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các đoàn thể chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa chiến lược và nội dung công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong giai đoạn mới; công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện ở một số ngành, địa phương còn thiếu kế hoạch và biện pháp cụ thể; chưa xây dựng được phong trào mạnh mẽ của toàn xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; không ít gia đình chưa biết cách nuôi dạy và thiếu trách nhiệm đối với con, thậm chí có gia đình còn dung túng con em làm những điều trái pháp luật. Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em mới được hình thành, chưa đủ mạnh, đặc biệt là ở cấp cơ sở.

Trẻ em là nguồn hạnh phúc của gia đình, là tương lai của dân tộc, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, cần được ưu tiên bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, của mọi công dân và mỗi gia đình. Trong phạm vi khả năng của mình, cần tạo điều kiện tối đa để mọi trẻ em được bảo vệ, chăm sóc và được phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.

Để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, các cấp ủy đảng, các ban cán sự đảng, đảng đoàn cần lãnh đạo thực hiện một số việc trước mắt dưới đây:

1- Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác trẻ em; luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; luật phổ cập giáo dục tiểu học; công ước quốc tế quyền trẻ em; các mục tiêu vì trẻ em đến năm 1995 và năm 2000. Phổ biến các kiến thức, phương pháp nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của gia đình, đặc biệt là của bố mẹ, đối với việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái.

Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, trước hết là cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành cần gương mẫu thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

2- Đẩy tới một bước các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu của trẻ em. Thực hiện tốt luật phổ cập giáo dục tiểu học; giáo dục đạo đức, nếp sống cho học sinh. Xây dựng các điểm văn hóa, vui chơi cho trẻ em; có biện pháp chủ động ngăn ngừa, đấu tranh chống ảnh hưởng của văn hóa phẩm độc hại đối với trẻ em. Xây dựng và thực hiện chính sách chăm sóc, bảo vệ các trẻ em đặc biệt khó khăn. Nghiên cứu bổ sung, sửa đổi kịp thời các điều khoản luật pháp, các chính sách có liên quan đến trẻ em, ban hành luật đối với trẻ vị thành niên; xử lý kịp thời các vụ vi phạm quyền trẻ em hoặc lợi dụng, lôi kéo, xúi giục trẻ em làm trái pháp luật.

3- Tăng cường đầu tư ngân sách cho các chương trình mục tiêu vì trẻ em. Có chính sách khuyến khích các hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật, nghiên cứu khoa học, sáng chế phát minh, sản xuất kinh doanh phục vụ trực tiếp cho các nhu cầu sức khỏe, giáo dục, văn hóa, vui chơi, phát triển năng khiếu của trẻ em.

4- Phát triển phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục trẻ em. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, đặc biệt là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn, thường xuyên tuyên truyền vận động, tổ chức hướng dẫn các thành viên trong gia đình biết cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan; đúc kết và phát triển rộng rãi các phong trào đã tiến hành có hiệu quả.

Tổ chức “Tháng hành động vì trẻ em” từ 15-5 đến 30-6 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội, tổ chức hành động hướng vào giải quyết một số mục tiêu cụ thể.

5- Kiện toàn hệ thống Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em các cấp theo hướng tinh gọn; nâng cao năng lực tổ chức phối hợp với các ngành, đoàn thể trong công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chương trình mục tiêu vì trẻ em.

Các cấp ủy đảng, các ban cán sự đảng, các đảng đoàn cần lãnh đạo thực hiện tốt chỉ thị này.

Ban Khoa giáo Trung ương phối hợp với Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em Việt Nam có trách nhiệm giúp Ban Bí thư hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị này và định kỳ báo cáo Ban Bí thư.

 

 

T/M BAN BÍ THƯ




Đào Duy Tùng

 

 

1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ